18/12/13

Chứng cứ lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

        Phương thức thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Việt Nam đã chính thức tuyên bố: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.
 Cụ thể là:
1.1. Nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt ba thế kỷ (XVII –XIX) đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình là tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
a. Nhà nước Đại Việt thời nhà Nguyễn: Lập ra đội Hoàng Sa để quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của bảy đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
19 Châu bản triều Nguyễn thể hiện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

       b. Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801 dù diễn ra chiến tranh liên miên, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, nhưng các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn vẫn thực hiện các quyền làm chủ đối với khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình, kể cả đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
      c. Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyễn Ánh sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị nhưng vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1.2. Với tư cách là đại diện nhà nước Việt Nam về đối ngoại, Cộng hòa Pháp đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa:
Theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1.3.  Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam giai đoạn 1945- 1975:
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 02/9/1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên nước Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo Hiệp định ngày 08/3/1949, Pháp dựng lên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, theo đó đã công nhận nước Việt Nam có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định quy định lấy sông Bến Hải (Vỹ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyên miền Nam Việt Nam.
1.4. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1975 đến nay:
Ngày 05/04/1975, Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 13 - 28/4/1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 9/12/1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số: 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11/12/1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký  quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng.
Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa 7 CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11/4/2007, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập ba đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:
- Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận;
- Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận;
- Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc TW, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25/4/2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa…
Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
                                                            Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: