Cả ba cuộc hội thảo do ba trường
đại học tổ chức tại TP.HCM trong ngày 26-7 về tình hình biển Đông đều có chung
nhận định rõ ràng: Trung Quốc đã không tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam
phải tiếp tục đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình.
Trung
Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế
Trải qua liên tiếp ba phiên thảo luận sôi nổi
và căng thẳng về các khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt
giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, hội thảo khoa học
quốc tế do Hội Luật gia Việt Nam và ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 26-7 đã kết
thúc với thông điệp: “Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng các giải pháp hòa
bình chính là ý chí của cộng đồng thế giới”.
Phân tích, thảo luận, tranh luận suốt cả ngày
xung quanh các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý cho xung đột biển Đông,
các chuyên gia luật quốc tế đến từ khắp thế giới lại cho thấy những nhận định
có sự thống nhất rất cao: Trung Quốc đã quá coi thường Luật biển quốc tế 1982,
không quan tâm đến phản ứng của các nước ASEAN, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu
vực.
Nhiều lời khuyên cho
Việt Nam
“Tranh chấp lãnh thổ, biển ở châu Á liên quan
chủ yếu đến vấn đề tài nguyên, muốn chiếm độc quyền tài nguyên, ẩn chứa rất
nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang” – GS Changsin, ĐH Quốc gia Hàn Quốc,
khẳng định. “Việt Nam nên sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao trước khi
tính đến việc đưa ra tòa án quốc tế” – GS Hikmahanto Juwana, khoa luật ĐH
Indonesia, phân tích từ kinh nghiệm của chính nước mình. Và những việc phải
làm, những khó khăn, thuận lợi, điểm mạnh, yếu của từng giải pháp cũng đã được
các chuyên gia phân tích thật cụ thể, cặn kẽ.
Mạnh mẽ, quả quyết, luật sư Pierre Shifferli
(Thụy Sĩ) – chuyên gia tài phán quốc tế – khẳng định: “Các chứng cứ lịch sử
trên quốc tế đều chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Với tư cách
là một luật sư, một thẩm phán tòa quốc tế, tôi thấy hành động của Trung Quốc là
hành động “ăn cướp” (nhấn mạnh bằng tiếng Việt – PV). Về vấn đề giàn khoan, họ
đang tiến hai bước, lùi một bước. Nếu Việt Nam khởi kiện ra tòa quốc tế, áp lực
với Trung Quốc sẽ gia tăng rất nhiều. Tất nhiên, tòa quốc tế cũng sẽ phải chịu
nhiều áp lực do Trung Quốc là một nước mạnh, và có thể lôi kéo nhiều nước khác tham
gia. Nhưng căn cứ theo Luật biển quốc tế, tôi nghĩ Việt Nam sẽ thắng.
Có ba việc mà Việt Nam nên thực hiện song
song: cuộc chiến pháp lý theo Luật biển quốc tế; cuộc chiến ngoại giao: cần
phải cố gắng tận dụng sự ủng hộ của quốc tế, bên cạnh đó ASEAN cần trở thành
một tổ chức mạnh thật sự, đoàn kết vì tất cả các nước đều có quyền lợi ở đây.
Đương nhiên, sự chênh lệch lực lượng với Trung Quốc là không thể thay đổi; Việt
Nam cần tăng cường sức mạnh quân sự để tự bảo vệ mình, và vì thế, không thể
giải quyết vấn đề theo cách song phương”.
Giáo sư Alexander Yankov, thành viên tòa án
quốc tế về Luật biển, dù đã 90 tuổi vẫn chống gậy đến dự hội thảo, kiên nhẫn
trả lời từng câu hỏi. Ông nói tiếp theo những giải pháp mà đồng nghiệp đề ra:
“Trung Quốc là một nước lớn nhưng không tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy vậy,
Việt Nam vẫn phải dùng những biện pháp pháp lý để đấu tranh. Hai công cụ quan
trọng nhất là: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và sự đoàn kết,
hành động chủ động, mạnh mẽ của ASEAN. Việc đấu tranh này phải bắt đầu ngay hôm
nay chứ không thể đợi tới ngày mai”.
Kinh nghiệm của
Philippines
Ông Chito Sta.Romana – nhà báo kỳ cựu người
Philippines, chuyên gia phân tích độc lập về Trung Quốc – kể lại câu chuyện của
nước mình: “Hồ sơ của Philippines đưa ra tòa trọng tài quốc tế dày hơn 4.000
trang, chỉ yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của mình về đường chín đoạn trên
biển Đông. Trung Quốc không chịu xuất hiện và cung cấp bất cứ chứng cứ, tài
liệu nào cho tòa trọng tài. Nếu Trung Quốc vẫn nhất định không xuất hiện, tòa
trọng tài sẽ tự tổng hợp tài liệu và xem xét khiếm diện. Chúng tôi dự kiến kết
quả của tòa trọng tài sẽ có vào quý 1-2016. Nếu tòa xử Philippines có lý, chúng
tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, gây áp lực để có một phân định ranh giới rõ ràng
trên biển với Trung Quốc. Trung Quốc luôn khẳng định mình là một cường quốc có
trách nhiệm, và như vậy họ phải tôn trọng luật quốc tế và phán quyết của tòa
án”.
Giáo sư Yamagata Hideo – ĐH Nagoya, thành viên
tổ chức xã hội Nhật Bản và Hoa Kỳ về luật quốc tế – tham gia bàn về việc này:
“Việc vắng mặt tố tụng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến bên không tham gia, họ không
được lựa chọn trọng tài viên, không thể bảo vệ vụ việc trước tòa hoặc chống lại
yêu sách của bên nguyên đơn”. Ông Romana nói thêm: “Không xuất hiện nhưng Trung
Quốc lại sử dụng báo chí, các diễn đàn quốc tế để chống lại lập luận của
Philippines và phủ nhận cả tòa trọng tài. Ở biển Đông, Trung Quốc cũng đang tìm
cách thay đổi hiện trạng, biến đảo chìm thành đảo nổi, xây dựng căn cứ quân sự…
Mục tiêu của họ là tìm cách có thêm bằng chứng mới khẳng định chủ quyền trước
phán quyết của tòa án cũng như trước khi ASEAN và nước này đạt được thỏa thuận
về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đó hẳn nhiên là những hành động tiêu
cực”.
Trước rất nhiều ý kiến cho rằng cần hết sức
kiên nhẫn trong giải quyết tranh chấp, đại diện của Philippines giải thích:
“Chúng tôi đã kiên nhẫn suốt 17 năm, cuối cùng vẫn xảy ra vụ việc bãi cạn Scarborough.
Nên giải pháp vẫn là nên đưa ra tòa, mặc dù phải chấp nhận những khó khăn về
ngoại giao, kinh tế. Tất nhiên, Philippines không muốn đi kiện một mình nhưng
rất hiểu rằng Việt Nam còn phải cân nhắc rất nhiều vấn đề”. GS.TS Mai Hồng Quì,
hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM: “Kể cả các biện pháp pháp lý vẫn chính là
những giải pháp hòa bình. Đó là một trong những thông điệp của chúng tôi qua
cuộc hội thảo này, và yêu cầu Trung Quốc phải kiềm chế và tôn trọng luật quốc
tế trong bất kỳ trường hợp nào. Ý kiến của các chuyên gia quốc tế trong hội
thảo này đã một lần nữa chứng minh sự quan ngại sâu sắc về vấn đề biển Đông và
sự ủng hộ to lớn dành cho Việt Nam”.
Giải pháp cho Việt Nam
Suốt buổi chiều, các cuộc chiến pháp lý trên
biển trong lịch sử quan hệ quốc tế được các học giả phân tích kỹ lưỡng để rút
ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Qatar – Bahrain, Hàn Quốc – CHDCND Triều
Tiên, Guyana – Suriname, Philippines – Trung Quốc…
Sau bài phân tích dài của mình, GS Seokwoo
Lee, khoa luật ĐH Inha (Hàn Quốc), kết luận: Xét xử bằng trọng tài quốc tế là
một tiến trình chính trị phức tạp. Tuy cộng đồng quốc tế không có lực lượng
cảnh sát toàn cầu có khả năng thực thi quyết định giải quyết, nhưng nếu một
quốc gia lớn như Trung Quốc phớt lờ quyết định này thì uy tín và hình ảnh quốc
tế của họ sẽ bị hoen ố, và hiệu lực pháp lý quốc tế của UNCLOS cũng bị nghi
ngờ. Ông đưa ra lời khuyên: “Philippines và Việt Nam hãy nhanh chóng thúc đẩy
và ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông”.
GS Robert Beckman, giám đốc Trung tâm luật
quốc tế ĐH Quốc gia Singapore, đưa ra hai lựa chọn cho Việt Nam: khởi kiện
Trung Quốc hoặc tham gia vào vụ kiện của Philippines với Trung Quốc tại tòa
trọng tài. Giáo sư Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề hàng
hải và luật biển, ĐH Philippines, nhắc lại hầu hết các vụ va quẹt, đâm chìm tàu
cá trong hơn hai tháng giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng
biển Việt Nam và khẳng định: “Các vụ đâm chìm tàu cá là hành động sai trái mà
Việt Nam có thể đòi bồi thường thiệt hại. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về
hành động của tất cả các tàu treo cờ của mình. Tòa án Việt Nam cũng có thể xử
vụ đòi bồi thường này”.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét