Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á, Viện Khoa học và Chính trị
Đức, nhận định động cơ hạ đặt trái phép giàn khoan của Trung Quốc không phải vì
tài nguyên mà là yêu sách chủ quyền nhằm hiện thực hóa tham vọng đường chín
đoạn.
Giàn khoan dầu khí HD 981 của Trung Quốc |
- Với
tư cách là một chuyên gia về Đông Nam Á, ông đánh giá thế nào trước việc Trung
Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông?
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
như vậy không chỉ khiến Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại.
Hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu
xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết. Mỹ cũng như Liên
minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải quyết bất đồng
một cách hòa bình.
- Hiện
có những ý kiến cho rằng việc đặt giàn khoan 981 là bước đi tiếp theo của Trung
Quốc nhằm hiện thực hoá yêu sách đường chín đoạn về lãnh thổ
trên biển. Ông nghĩ thế nào?
- Yêu sách lãnh thổ mà Bắc Kinh đã
vạch ra với đường chín đoạn của họ chiếm tới gần 80% tổng diện tích Biển Đông.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 không phải là hành động đầu tiên nhằm
hiện thực hoá yêu sách lãnh thổ của nước này. Trong suốt 30 năm qua, thông qua
việc chiếm đảo, tăng cường các đơn vị quân sự, thành lập các "hạm đội bảo
vệ" hay đưa vào hoạt động các tàu cá, Trung Quốc đã thể hiện và thực thi
tham vọng bá quyền rồi, chứ không phải việc hạ đặt giàn khoan 981 mới cho thấy
điều đó.
- Hành
động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế như thế nào?
- Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật biển 1982 (UNCLOS) quy định rõ các vùng đặc quyền kinh tế. Các nước
có biển đều có quyền khai thác kinh tế đối với một dải bờ biển rộng 200 hải lý.
Như vậy, họ có quyền đánh bắt cá, thăm dò và khai thác tài nguyên như dầu và
khí ở khu vực đó. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính
Trung Quốc đã ký kết.
Việc Trung Quốc nói họ có
"chứng cứ lịch sử" đối với vùng biển đó không được Luật biển quốc tế
ủng hộ, bởi không có khái niệm "chứng cứ lịch sử" ở đây. Trong Tuyên
bố về cách ứng xử trên biển Đông mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng
11/2002 có quy định các bên ký kết không được hành động đơn phương làm thay đổi
hiện trạng ở biển. Do đó, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền
kinh tế của một nước khác như vậy rõ ràng là hành động vi phạm Tuyên bố này.
- Tập
đoàn dầu khí Việt Nam đã khẳng định khu vực Trung Quốc thả giàn khoan trái phép
được khảo sát địa chất từ năm 1972, song chưa phát hiện có dầu. Vậy theo ông,
mục đích thực sự khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan của họ tại đó là gì?
- Các phân tích khác nhau về xung
đột ở Biển Đông cho thấy xung đột ở khu vực này chủ yếu vì tài nguyên
cũng như việc khai thác các tài nguyên đó. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Trung Quốc
đặt nặng động cơ này ở Biển Đông. Cái mà Trung Quốc ưu tiên hàng đầu là đòi hỏi
tuyên bố chủ quyền và làm các nước láng giềng lo ngại. Để làm điều đó, Trung
Quốc đã đầu tư khổng lồ để vũ trang cho các tổ chức quân sự và bán vũ trang.
Lợi ích thu được về kinh tế không đáng kể gì so với chi phí rất lớn mà họ bỏ
ra.
Tuy nhiên, hành động hiếu chiến của
Trung Quốc không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị với các nước láng
giềng phía nam, trong khi một mối quan hệ kinh tế cũng như chính trị tốt đẹp
với các nước láng giềng lại là điều không thể thiếu cho thành tựu kinh tế sau
này của Trung Quốc.
Tôi cho rằng những hành động mới
nhất của Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và
Việt Nam. Để căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các
nước Đông Nam Á cũng như lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Cuối cùng, Biển
Đông là trung tâm hàng hải của giao thương thế giới. Một phần ba giao
thương quốc tế thông qua tuyến đường biển này. Đa số các nước trong khu vực đã
đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong 30 năm qua và do vậy việc căng thẳng leo
thang hay thậm chí xảy ra xung đột quân sự có thể gây tổn hại cho tất cả những
gì đã đạt được trong vài chục năm qua.
- Theo
ông, Việt Nam cần làm gì trong tình thế hiện nay?
- Việt Nam nên phản ứng thận trọng
trước sự khiêu khích của Trung Quốc. Điều này không hề dễ chịu với hầu hết
người Việt. Song việc quan trọng hơn những cuộc biểu tình và lên án mạnh mẽ là
tiến hành đàm phán tích cực với các nước ASEAN khác, trước hết là Philippines
và Malaysia để đi tới một quan điểm chung. Nếu có một quan điểm chung như vậy
thì sẽ dễ dàng hơn trong việc đàm phán với Bắc Kinh. Để đàm phán với Bắc Kinh
thì không có sự lựa chọn thực tế nào khác.
Chủ quyền biển đảo (tổng
hợp)
Theo vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét