21/5/14

Trung Quốc ngày càng đuối lý trong vụ giàn khoan dầu khí HD981 tại Biển đông


         Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan dầu khí hải dương 981 (HD981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa xuống phía Nam. Đến 16h ngày 02/5/2014, giàn khoan HD981 neo đậu cách đảo Tri Tôn 17 hải lý về phía Nam cùng 17 tàu bảo vệ. Vị trí giàn khoan 981 cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, VN) 119 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Đây là khu vực nằm trong lô dầu khí 143 của VN. Theo Điều 57 và Điều 76 của Công ước Luật biển 1982, vị trí đặt giàn khoan HD981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan và các tàu của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. 

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam
 Tuy nhiên, vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan 981 cũng là vị trí hết sức nhạy cảm mà Trung Quốc đã cố tình lựa chọn để thực hiện chiến thuật “bắn một mũi tên trúng hai đích”: một là, tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa, thực hiện ý đồ cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước luật biển năm 1982 trong việc mở rộng phạm vi vùng biển và thềm lục địa dựa vào vị trí của quần đảo này, cũng như các quần đảo khác trong Biển Đông, nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ; hai là, cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp để áp đặt chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà mục tiêu trước mắt là tranh giành việc khai thác nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật vốn thuộc các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ở xung quanh Biển Đông theo quy định của Công ước Luật biển 1982.

Để hợp thức hóa hành động sai trái của mình, Trung Quốc ngụy biện rằng vị trí đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, bởi vì Trung Quốc hoàn toàn có “chủ quyền” đối với Hoàng Sa. Thực tế quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiến toàn bộ từ năm 1974, trái với Hiến chương Liên hợp quốc; Trung Quốc lại khẳng định họ có chủ quyền cố hữu đối với quần đảo này, không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận ra rằng, vị trí này không phải nằm trong lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, thậm chí là của đảo Tri Tôn, vì nó ở cách Tri Tôn 17 hải lý. Vậy thì chỉ có thể là nó đã nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này (vì vùng tiếp giáp lãnh hải xét về phạm vi không gian, vẫn là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế). Vấn đề là quần đảo này có hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Công ước Luật biển 1982 để có thể cho phép quốc gia có chủ quyền mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này hay không?
Như mọi người đều biết, quần đảo này bao gồm các đảo, đá, bãi cạn, rạn san hô… rất nhỏ bé, nằm trong khu vực có khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho đời sống của con người và đương nhiên không thể có đời sống kinh tế riêng, mặc dù sau khi xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc đang cố tình tìm cách tạo ra diện mạo đó. Hơn nữa, quần đảo này không phải là quốc gia quần đảo. Vì thế, việc vạch ra hệ thống đường cơ sở để từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của quần đảo này là hoàn toàn khác với quốc gia quần đảo. Vì những lý do đó, có thể khẳng định rằng quần đảo này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Có chăng thì từng đảo nổi theo đúng quy định của Điều 121 của Công ước Luật biển 1982 chỉ có thể có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý mà thôi. Việc Trung Quốc vạch một đường cơ sở bao trọn quần đảo mà họ gọi là “Tây Sa” để từ đó tạo ra vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sai với quy định của Công ước Luật biển 1982. Do đó, có thể khẳng định rằng vị trí của giàn khoan này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và đang cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước Luật biển 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của mình.
Sự đuối lý
Để bảo vệ giàn khoan HD981, Trung Quốc đã điều số lượng lớn tàu bảo vệ, có lúc lên đến 136 tàu các loại, bao gồm 04 tàu quân sự, 42 tàu hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu vận tải, tàu cá vỏ sắt, đồng thời chủ động đâm va, sử dụng vòi rồng công suất lớn tấn công, gây thiệt hại cho tàu của lực lượng chức năng VN hoạt động chấp pháp tại khu vực này trước sự chứng kiến của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế. Theo Công ước Luật biển 1982, hành động dùng vòi rồng phun vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, sử dụng các máy bay tuần tiễu và đặc biệt nguy hiểm hơn là việc vũ khí của họ luôn được đặt trong chế độ sẵn sàng là hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền trên vùng biển của Việt Nam. Chính vì vậy, Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Tuy nhiên, bất chấp sự lên án của dư luận và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn trơ tráo cho rằng, Việt Nam đã sử dụng tàu quân sự để quấy nhiễu cái gọi là “hoạt động dầu khí bình thường” của công ty Trung Quốc trong “lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Quốc”; sử dụng tàu chấp pháp xua đuổi tàu bảo vệ của Trung Quốc… Trung Quốc còn cố tình bưng bít thông tin, xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận nhân dân trong nước; họ luôn che giấu, không dám công khai số lượng tàu của họ ở khu vực đặt giàn khoan HD981 cũng như những hình ảnh về các vụ va chạm tàu trên biển. Tuy nhiên, sự ngang ngược đó của Trung Quốc không thể che mắt được toàn bộ nhân dân thế giới, đồng thời cũng đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân Trung Quốc, thông qua các trang mạng xã hội, những cái đầu có lý trí trong người dân Trung Quốc đã nhìn nhận một cách khách quan, cho rằng Trung Quốc đang dựa vào vị thế nước lớn để bắt nạt nước nhỏ, và họ vô cùng xấu hổ trước những hành động không có sĩ diện của một nước lớn như Trung Quốc.
Trung Quốc thực hiện hành động xâm lấn ngang ngược trên có nghĩa là họ đã bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận, dùng sức mạnh của mình để áp đảo các nước khác. Rõ ràng khi thực hiện các hành động phi pháp của mình, Trung Quốc đã “vứt” Công ước Luật biển 1982 vào sọt rác. Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Cộng đồng ASEAN đang kỳ vọng cũng sẽ khó có thể thành công, và nếu có hình thành thì cũng chẳng có giá trị gì khi nó chỉ mang tính chất là một giải pháp tình thế, tạm thời. Với Trung Quốc, đó cũng chỉ là một công cụ ngoại giao, là cái cớ để trì hoãn mọi giải pháp thực chất, cơ bản nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi quốc gia có liên quan trong khu vực.
Sự bất nhất của Lãnh đạo Trung Quốc
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai trước toàn thế giới, Trung Quốc chủ trương “trước sau như một đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên định theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ”, “thực hiện trách nhiệm nước lớn” và “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền dưới bất cứ hình thức nào, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”. Tuy nhiên, thực tế hôm nay chúng ta nhìn thấy một Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh và vị thế nước lớn ngang nhiên xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, một hành động mang tính cường quyền không tương xứng với hình ảnh của một nước lớn đang “trỗi dậy hòa bình”, đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và làm tăng thêm mối lo ngại của các quốc gia về “mối đe dọa Trung Quốc”.
Trước những phản ứng gay gắt của dư luận, Trung Quốc đã cố tình né tránh, sử dụng những chiêu trò cũ rích để đánh lừa dư luận theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”, “vừa ăn cướp vừa la làng”. Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sang” ngày 18/5 bình luận, Tập Cận Bình “cầu nguyện cho hòa bình”, trích dẫn lời Tập Cận Bình rằng “trong máu người Trung Quốc không có gien xâm lược”. Trước đó, tại cuộc gặp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, Công chúa Tonga Pilolevu Tuita và Chiristopher Cox cháu trai Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ông Tập Cận Bình cũng rao rảng: “Người Trung Quốc không chấp nhận logic rằng một quốc gia mạnh mẽ cũng phải có bá quyền. Lịch sử nói với chúng tôi rằng các cuộc chiến tranh giống như ma quỷ và những cơn ác mộng”. Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy trong chuyến thăm Mỹ ngày 15/5, đã phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm góc, ngạo mạn cho rằng: “giàn khoan HD981 đang hoạt động trong phạm vi lãnh hải Trung Quốc, Việt Nam chịu trách nhiệm về việc khấy động bất ổn bằng cách điều các tàu ra “gây cản trở” hoạt động khoan dầu của Trung Quốc. Ông Phòng Phong Huy cũng nhấn mạnh Bắc Kinh quyết không để mất một tấc lãnh thổ, và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tại sao ông Phòng Phong Huy chỉ nghĩ đến chủ quyền lãnh thổ của TQ mà không nghĩ đến chủ quyền lãnh thổ của các nước khác? Ông này còn đổ lỗi cho chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ đã khiến một số nước trong khu vực lấy đó làm cơ hội để gây rối ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Dư luận đều đã thấy rất rõ, đằng sau những phát ngôn “hòa bình” của người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc lại là những hành động khiêu khích, gây hấn, những phát ngôn vu cáo, bịa đặt và hăm dọa của các quan chức cấp dưới.
Tuyên truyền “bẻ cong” sự thật
Báo chí Trung Quốc liên tiếp đưa thông tin tuyên truyền “bẻ cong” sự thật, gây hiểu nhầm trong dư luận của cộng đồng nhân dân Trung Quốc. Chiều ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phối hợp Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tổ chức họp báo quốc tế liên quan đến vụ việc giàn khoan 981. Ngay sau đó, có khoảng gần 100 trang mạng, bao gồm cả Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Tin tức Trung Quốc… đã đưa tin và trích đăng phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ biên giới và Hải đảo Dị Tiên Lương tại cuộc họp báo này, cho rằng “đây là việc làm chính đáng của Trung Quốc trong vùng lãnh hải của quần đảo “Tây Sa”, cách đất liền của “Tp. Tam Sa” 17 hải lý, trong khi cách Việt Nam 150 hải lý. Việt Nam là bên chủ động khiêu khích, đưa cả tàu quân sự, người nhái và các vật cản nguy hiểm ra quấy rối, phía Trung Quốc buộc phải đáp trả.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 6/5 đã đăng bài xã luận với tiêu đề “Trung Quốc cần tỏ thái độ kiên quyết với Hà Nội” với nhiều đoạn mang tính cáo buộc trắng trợn như: “Nhà cầm quyền Việt Nam đã sách nhiễu nghiêm trọng giàn khoan nước sâu của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc” và “người ta tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp vì sự khiêu khích của Việt Nam. Không chỉ vì vị trí của giàn khoan nằm trong đường chín đoạn, mà còn vì nó nằm gần Tây Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc”… Tờ báo này cũng đăng 02 bài xã luận “Việt Nam phản đối ở “Tây Sa”, Trung Quốc cần bịt mũi cười mỉa” và “Việt Nam vô lý phản đối việc thăm dò “Tây Sa” của Trung Quốc”, cho rằng giàn khoan dầu khí hải dương 981 của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang tác nghiệp ở vùng biển quần đảo “Tây Sa” đã bị phía Việt Nam quấy rối nghiêm trọng; đe dọa rằng “nếu Việt Nam trở thành kẻ khiêu khích cực đoan tại “Nam Hải” thì Việt Nam chính là “con chim đầu đàn” mà Trung Quốc ngắm chuẩn ở “Nam Hải”, để Việt Nam thấy được lợi bất cập hại về nhiều mặt…
Việc tuyên truyền một chiều, sai trái sự thật ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc là hành động vô cùng nguy hiểm, khiến cho người dân Trung Quốc hiểu sai sự thật, gây mất đoàn kết, phá hoại tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước. Hành động đó có thể làm ý thức dân tộc của hai nước lên cao dẫn đến kích động đòi chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân Trung Quốc có cái đầu đủ tỉnh táo để phán xét một cách khách quan những hành động ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc, hành động đe dọa nước nhỏ, thể hiện sự “thiếu trách nhiệm” của một nước lớn đối với hòa bình, an ninh khu vực.
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Dư luận đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam phản đối Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD981 và một lượng lớn tàu các loại, bao gồm cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực Nam Tri Tôn là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế. Cách thức phản đối và đấu tranh của VN là hết sức có tình, có lý, vì hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trên thế giới đã diễn ra hàng chục cuộc biểu tình phản đối hành động xâm phạm của TQ đối với vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, trong đó không chỉ có cộng đồng người Việt Nam mà còn thu hút được nhiều bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Đã có nhiều thỉnh nguyện thư, tuyên bố và thông cáo báo chí phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các cơ quan truyền thông ở các nước lớn trên thế giới (Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Anh, Ý, Úc, Bungary, Hungary, Uzbekistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…) cũng đã đăng tải hàng trăm bài viết với nội dung lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực./.
 Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: