Phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la tại
Singapore đêm 30.5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẽ “ủng hộ tối
đa” đối với nỗ lực của các nước Đông Nam Á nhằm bảo vệ lãnh hải và không phận
trong điều kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang
Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hung hăng
đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu. |
“Nhật Bản sẽ ủng hộ tối đa đối với các nỗ lực của những quốc gia ASEAN
trong các hoạt động bảo đảm an ninh lãnh hải và bầu trời, đồng thời duy trì tự
do hàng hải và tự do hàng không” - Thủ tướng Abe phát biểu tại diễn đàn.
Thủ tướng Abe khẳng định: “Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực
của Philippines khi họ kêu gọi ban hành một nghị quyết giải quyết tranh chấp
trên biển Đông… Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam khi muốn giải
quyết các vấn đề thông qua đối thoại”.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp 10
tàu tuần tra mới cho tuần duyên Nhật Bản, 3 tàu tuần tra đã được bàn giao cho
Indonesia, và Tokyo đang lên kế hoạch hỗ trợ tàu tuần tra sớm cho Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố Nhật Bản và đối tác là Mỹ đã sẵn sàng để
tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia ASEAN để thúc đẩy hòa bình. “Nhật
Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn và tích cực, chủ động hơn so với hiện tại để tham
gia vào công cuộc xây dựng hòa bình ở châu Á và thế giới ổn định hơn” - AFP dẫn
lời ông Abe.
Ông Abe nói rằng liên minh của Nhật Bản với các đồng minh an ninh thân
cận như Mỹ chính là nền tảng của sự ổn định trong khu vực, nhấn mạnh Tokyo mong
muốn thiết lập quan hệ đối tác gần gũi hơn với các quốc gia châu Á như Ấn Độ,
Úc và các nước ASEAN
Theo AFP, Thủ tướng Abe nhiều lần sử dụng cụm từ “pháp quyền” (rule of
law) trong bài phát biểu của mình, thúc giục các quốc gia tôn trọng những tiêu
chuẩn quốc tế khi xử lý các vấn đề tranh chấp lãnh thổ để tránh dùng vũ lực.
Theo Reuters, đây thường được hiểu ngầm như lời chỉ trích những hành động quân
sự leo thang của Trung Quốc.
Đầu tháng này, Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ cùng hàng chục tàu hộ
tống đi vào vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với những hành động
phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc.
Theo Reuters, Thủ tướng Abe kêu gọi sớm thành lập một bộ quy tắc ứng xử
trên biển giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như việc thực thi một thỏa
thuận từ năm 2007 giữa Nhật Bản và Trung Quốc về thành lập cơ chế để chống
những đụng độ không mong muốn trên biển và trên không.
Tàu thuyền và máy bay Nhật Bản trong những tháng qua luôn trong tình
trạng “vờn” nhau ở gần vùng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, dấy lên lo
ngại nếu xảy ra tai nạn có thể nảy sinh một chạm trán quân sự. Đầu tháng
5/2014, Bắc Kinh và Tokyo cáo buộc lẫn nhau rằng các đơn vị không quân mỗi bên
có hành vi vô cùng nguy hiểm. Tokyo cáo buộc máy bay Trung Quốc lao tới chỉ còn
cách máy bay quân sự Nhật Bản chỉ vài chục mét.
Các đại diện Trung Quốc tham gia diễn đàn Shangri-la được cho là sẽ có
những lập luận phản pháo rằng chính Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, gây
nên mối đe dọa với an ninh khu vực.
Bên cạnh đó, qua bài phát biểu, Thủ tướng Abe cũng bày tỏ kế hoạch mở
rộng vai trò quân sự hoặc hỗ trợ quân sự cho một nước khác nếu bị tấn công.
“Chúng ta đang trong kỉ nguyên mà một nước sẽ không còn có thể chỉ dựa vào sức
mình để duy trì hòa bình. Chính vì Nhật Bản là một nước phụ thuộc rất lớn vào
hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế, nên Nhật Bản mong muốn nỗ lực hơn
nữa và chủ động hơn vì hòa bình thế giới".
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét