10/5/14

Trung Quốc leo thang xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông



I. Diễn biến tình hình:
Ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam (VN) phát hiện giàn khoan dầu khí Hải dương 981 (HD981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc (TQ) di chuyển từTây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan HD981 neo đậu tại phía Nam đảo Tri Tôn cùng 27 tàu bảo vệ. Trong các ngày sau đó TQ tiếp tục huy động thêm tàu bảo vệ đến khu vực này.
Ngày 03/5/2014, trang mạng của Cục Hải sự TQ đăng thông tin cảnh báo hàng hải số 14033, thông báo: Từ ngày 02/5 – 15/8/2014, giàn khoan HD981 sẽ tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển có bán kính 01 hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15°29’58” vĩ Bắc – 111°12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này. Tiếp đó, ngày 05/5/2014, Cục Hải sự TQ tiếp tục đăng thông tin cảnh báo hàng hải số 14034, trong đó thông báo mở rộng phạm vi khoan thăm dò lên 03 hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15°29’58” vĩ Bắc – 111°12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này, đồng thời hủy bỏ cảnh báo số 14033 ngày 03/5/2014. Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự TQ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của VN khoảng 120 hải lý.
Hoạt động trên nằm trong chuỗi các hoạt động leo thang xâm lấn của TQ ở Biển Đông trong những năm gần đây như: chính thức nêu yêu sách “đường lưỡi bò” (5/2009); cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking 2 của VN (tháng 5, 6/2011); thành lập “thành phố Tam Sa” (6/2012); đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hàng năm; đưa ra “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014); tổ chức nhiều đợt tuần tra, diễn tập quân sự tại Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh và răn đe các bên tranh chấp khác; tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí, khảo cổ, phát triển du lịch và củng cố các cơ sở chiếm đóng, tấn công xua đuổi tàu cá của VN… theo hướng ngày càng công khai, trắng trợn, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, TQ còn tuyên bố “hoàn toàn có quyền” thành lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông…
Như vậy, các hành động của TQ tại Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN là có chủ ý và được tính toán kỹ lưỡng nhằm thực hiện âm mưu “độc chiếm Biển Đông”, hiện thực hóa chủ quyền theo yêu sách “Đường lưỡi bò”; cho thấy TQ sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, thách thức dư luận và luật pháp quốc tế nhằm gia tăng các hoạt động khẳng định “chủ quyền” tại Biển Đông, làm cho tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng, nguy cơ xảy ra xung đột cao, khó kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng lợi ích an ninh, an toàn và hòa bình ổn định hợp tác ở Biển Đông.

II. Chứng cứ lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phương thức thụ đắc lãnh thổ của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trưòng Sa là theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Nhà nước VN là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. VN hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.
Cụ thể là:
1. Các nhà nước phong kiến VN trong suốt ba thế kỷ (XVII -XIX) đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình là tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
a. Nhà nước Đại Việt thời nhà Nguyễn: Lập ra đội Hoàng Sa để quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của bẩy đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
b. Nhà nưóc Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801 dù diễn ra chiến tranh liên miên, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, nhưng các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn vẫn thực hiện các quyền làm chủ đối với khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình, kể cả đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
c. Nhà nước VN thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nguyễn Ánh sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị nhưng vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Với tư cách là đại diện nhà nước VN về đối ngoại, Cộng hòa Pháp đã tiếp tục thực thi chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa:
Theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước VN trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Việc thực thi chủ quyền của VN giai đoạn 1945- 1975:
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù VN đã tuyên bố độc lập ngày 02/9/1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, VN Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên nước Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện VN trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo Hiệp định ngày 08/3/1949, Pháp dựng lên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia VN do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, theo đó đã công nhận nước VN có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định quy định lấy sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam – Bắc VN. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam VN.
4. Việc thực thi chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1975 đến nay:
- Ngày 05/04/1975, Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân VN đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân VN.
Từ ngày 13 – 28/4/1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân VN đã tiếp quản các đảo có quân đội VN Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 9/12/1982, Chính phủ CHXHCN VN ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11/12/1982, Chính phủ CHXHCN VN ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa 7 CHXHCN VN ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11/4/2007, Chính phủ CHXHCN VN ký Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập ba đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:
- Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận;
- Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận;
- Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội CHXHCN VN ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc TW, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25/4/2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa…
Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, VN đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
III. Dư luận quốc tế lên án các hành động của TQ thời gian gần đây:
Trước các hoạt động leo thang của TQ ở Biển Đông thời gian qua, nhiều nước đã chỉ trích kịch liệt và lên tiếng phản đối các hoạt động của TQ.
- Mỹ: Chính giới Mỹ (Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ten Psaki; Đại sứ Mỹ tại Philippines Goldberg; Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Danny Russel…) đã có nhiều phát biểu thể hiện quan điểm và lập trường của mình, đáng chú ý; (1) Lần đầu tiên, Mỹ đã chuyển thái độ từ “ám chỉ” sang “công khai” chỉ trích yêu sách “đường chín đoạn” của TQ tại Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế; cho rằng sự thiếu minh bạch này có thể dẫn đến bất ổn, không đảm bảo an ninh trong khu vực; (2) Mỹ đã phản ứng nhanh chóng và trực diện nhằm vào TQ, chỉ trích hành động của TQ là “Khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm”, cho rằng “những động thái dọa nạt và khiêu khích của TQ nhằm khẳng định yêu sách biển là không thể chấp nhận được”.
- Philippines (PLP): Ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn trước các hành động leo thang của TQ Biển Đông: (1) Trước quy định đánh bắt cá mới do chính quyền tỉnh Hải Nam đưa ra, chính giới PLP thông qua các kênh khác nhau liên tục lên tiếng phản đối, yêu cầu TQ ngay lập tức làm rõ quy định này; khẳng định đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông; tuyên bố PLP không công nhận quy định này…; (2) Bộ Ngoại giao PLP cũng đã lên tiếng khẳng định “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông hoàn toàn vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực; nêu rõ “vùng đặc quyền kinh tế của TQ không thể vượt quá phạm vi 200 hải lý tính từ đại lục TQ và đảo Hải Nam”; (3) Tiếp tục quyết tâm theo đuổi vụ kiện TQ ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển.
- Malaysia: Trong số các nước có tranh chấp với TQ ở Biển Đông, Malaysia thường cố gắng tránh công khai chỉ trích TQ, ngay cả lúc TQ 03 lần đưa tàu đến bãi ngầm của mình. Tuy nhiên, trước các hành động ngày càng leo thang gần đây của TQ, Malaysia đã có thái độ kiên quyết hơn trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua các động thái: (1) Lần đầu tiên Thủ tướng Malaysia Najib Razak (09/2013) nói rằng TQ đã “đưa ra một tín hiệu hỗn loạn” làm cho các nước láng giềng Châu Á mất thiện cảm; TQ cần giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước Đông Nam Á như “giữa những người bạn”; (2) Từ chối đề nghị đàm phán song phương, “hợp tác cùng khai thác” của TQ trong chuyến thăm Malaysia của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (10/2013); (Tuyên bố sẽ xây dựng căn cứ hải quân mới tại Bintulu ở Sarwak (thị trấn lớn nhất, cách cách bãi ngầm James khoảng 96 km)… Đáng chú ý, trong Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (16 – 17/1/2014) tại Myamnar, thái độ trong vấn đề Biển Đông của Malaysia đã có sự thay đổi rất lớn so với trước đây, trong đó lên tiếng phản đối mạnh mẽ “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp TQ của tỉnh Hải Nam”; đề nghị các nước ASEAN có phản ứng thích hợp đối với hoạt động của TQ; không chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ; đề nghị ASEAN và TQ đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC…
- Indonesia: Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã lên tiếng phản đối việc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông; bày tỏ lo ngại “đường lưỡi bò” của TQ đang nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Natuna của mình; tích cực nêu vấn đề liên quan tranh chấp Biển Đông trong Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (16 – 17/1/2014) tại Myanmar, đề nghị thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
- Nhật Bản: Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản (12/1) lên tiếng phản đối “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp TQ của tỉnh Hải Nam”, cho rằng việc đơn phưong áp đặt các hạn chế đánh bắt như trong vùng biển riêng của TQ là không được phép trên bình diện quốc tế; cho rằng TQ đang đe dọa tới trật tự quốc tế hiện nay”.
IV. Lập trường, quan điểm và thái độ thiện chí của VN:
1. Đối với việc TQ đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN:
Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, VN đã hết sức kiềm chế. Lập trường, quan điểm của VN đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN và phản đối của Tập đoàn dầu khí VN (04/5), cụ thể:
- Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự TQ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, cách bờ biển VN khoảng 120 hải lý;
- VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982;
- Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của VN đều là bất hợp pháp và vô giá trị, VN kiên quyết phản đối;
- VN cực lực phản đối hành động trên của TQ và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương TQ dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển của VN;
- Việc làm trên của TQ đi ngược lại với tinh thần hợp tác giữa hai Tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa VN và TQ.
           2. Lập trường chung của VN về vấn đề Biển Đông:
Lập trường nhất quán của VN là trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên tranh chấp liên quan cần:
- Kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì hòa bỉnh, ổn định; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên họp quốc và các chuẩn mực của Luật pháp quốc tế, trong đó có 05 nguyên tắc chung sống hòa bình, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và Nguyên tắc 06 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
- Kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền tự do hàng hải và nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tàu thuyền của các nước qua lại Biển Đông phù hợp với Công ước Luật biển 1982; thúc đẩy hợp tác về an toàn biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin./.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: