Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép
giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt
Nam đã được toan tính kỹ lưỡng trong thời gian dài cho mục tiêu độc chiếm Biển
Đông, tạo vị trí siêu cường ngang hàng với Mỹ. BBT xin giới thiệu bài viết của
của tác giả Việt Long về vấn đề này.
Phần 2: Trung Quốc thất
thế chính trị, Việt Nam ảnh hưởng kinh tế
Về thực trạng hiện nay, đối với Trung Quốc có 6 vấn đề:
Thứ nhất: Điều Bắc Kinh không muốn nhất là quốc tế hóa vấn
đề Biển Đông đang thành hiện thực. Cách cư xử hung hăng, gây hấn, coi
thường luật pháp, gây mất ổn định khu vực của Bắc Kinh đã và đang làm cả thế
giới lo ngại.
Vấn đề Biển Đông đôi lúc còn nóng hơn cả xung đột ở Ukraine
trên các mặt báo quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi đó là các hành động khiêu
khích. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi gặp Tổng Tham mưu trưởng Giải phóng quân
Nhân dân Trung Quốc đã nhấn mạnh Mỹ không ủng hộ bất cứ quốc gia nào thực hiện
các bước khiêu khích để thúc đẩy những tuyên bố về các khu vực tranh chấp theo
cách thức làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tổng thống Obama tuyên bố: “Hành động gây hấn khu vực không
được kiểm soát – dù là ở Nam Ukraine hay Biển Đông, hoặc bất kỳ nơi nào khác
trên thế giới – cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh của chúng ta, và có
thể lôi cuốn quân đội can dự.”
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi ASEAN cần thể hiện
quan điểm chung về tình hình Biển Đông vì các cuộc “xung đột xảy ra ngay tại
cửa ngõ của chúng ta.”
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định Trung
Quốc phải tôn trọng những cam kết của mình đối với Tuyên bố về ứng xử của các
bên ở biển Đông (DOC). Theo ông, Bắc Kinh luôn muốn giải quyết tranh chấp biển
Đông trên cơ sở song phương và không muốn có sự tham dự của bên thứ ba.
Tuy nhiên, hành động Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào
vùng biển Việt Nam không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu
vực, vì vậy ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để
giải quyết tình hình.
Ngay tại Đài Loan, Chủ tịch Đảng Dân tiến Tô Trình Xương cho
rằng việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển. Phản ứng
và quan ngại quốc tế mạnh hơn nhiều so với vụ Scarborough buộc Bắc Kinh phải
xem xét.
Thứ hai: Trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức
mạnh đoàn kết của cả khối trong việc đồng thuận đưa tình hình Biển Đông vào các
văn kiện của Hội nghị cấp cao (tuyên bố Nay Pyi Taw và Tuyên bố Chủ tịch) tháng
Năm.
Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã ra một Tuyên bố riêng
về vấn đề Biển Đông, điều chưa từng có sau 19 năm kể từ sự kiện Vành Khăn năm
1995.
ASEAN đã trưởng thành lên so với năm 2012 khi Bắc Kinh còn
có cơ lũng đoạn. Hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, không sử dụng vũ
lực trong giải quyết tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật
Biển, DOC và sớm có COC luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lập trường các nước
ASEAN.
Thứ ba: Bắc Kinh phản ứng với chính sách xoay trục châu
Á của Mỹ nhưng hành động vừa qua lại càng làm cho các nước trong khu vực nghi
ngại, tăng cường liên kết với Mỹ và các đồng minh.
Các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp với sự ghé thăm Manila
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia
Najib Tun Razak tới Nhật Bản 22-24/5 cho thấy rõ khả năng tiềm ẩn đó.
Càng hung hăng, Trung Quốc càng bị cô lập và tạo điều kiện
dễ dàng cho sự “xoay trục” của Mỹ trong tương lai. Những gì Trung Quốc đã dày
công đầu tư như “trỗi dậy hòa bình,” “tấn công bằng thiện cảm” phút chốc xóa
sạch bằng hình bóng đe dọa của tàu hải quân và hiểm họa Trung Quốc tại Đông Á
và Đông Nam Á.
Thứ tư: Bắc Kinh muốn lấy ngoài xoa trong nhưng
sự mất ổn định khu vực và nghi ngại của các nước với ý đồ thực sự của Bắc Kinh
đã làm xói mòn môi trường quốc tế cho những nỗ lực tăng trưởng kinh tế bền vững
và sự ổn định trong nước Trung Hoa.
Ngay trong những ngày giàn khoan trên biển, một vụ xả súng
mới ở chợ Tân Cương đã buộc Trung Quốc phải ban hành chiến dịch chống khủng bố
trong một năm tới. Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc không ngăn chặn được mà còn bị
khoét sâu hơn. Khi đánh mất lòng tin với quốc tế, thì Trung Quốc đồng thời, đã
làm mất đi lòng tin của nhân dân mình với chính quyền.
Kinh tế Trung Quốc cũng chịu những ảnh hưởng nhất định khi
chỉ số Hang Seng China Enterprises’ đã sụt giảm 13% và trở thành chỉ số giảm
mạnh nhất thế giới trong tháng Năm. Đồng nhân dân tệ cũng đã giảm 2,8% so với
USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012.
Thứ năm: Trung Quốc luôn đòi hỏi giải quyết các tranh
chấp bằng đàm phán song phương nhưng 26 lần trong một tháng Việt Nam giao thiệp
đề nghị đàm phán đã không có một sự hưởng ứng từ Trung Quốc.
Rõ ràng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến lợi ích cốt lõi, bỏ qua
DOC, COC, Luật quốc tế. Trong quan hệ song phương, Bắc Kinh còn không muốn giải
quyết bằng biện pháp hòa bình thì trong các vấn đề đa phương, đề nghị của Bắc
Kinh chỉ còn là bánh vẽ.
Thứ sáu: Trung Quốc muốn dồn ép Việt Nam phải bỏ
Washington rơi vào quỹ đạo của mình. Nhưng động thái giàn khoan đã dồn Việt Nam
vào thế chân tường, buộc phải có phản ứng nhanh, quyết đoán và cứng rắn nhằm
bảo vệ các quyền lợi chính đáng mà Công ước Luật Biển mang lại.
Dường như tất cả mọi toan tính hết sức kỹ lưỡng của Trung
Quốc đã bị thực tế làm cho ngược lại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một tuyên bố dõng dạc: “Việt
Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền
lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải
trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và
nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ
hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”
Trung Quốc dùng lực lượng tàu đông gấp 5-6 lần Việt Nam, đâm
va, ngăn cản quyết liệt nhưng không buộc được các tàu Việt Nam rời bỏ vị trí mà
càng làm thế giới thấy sự bắt nạt của kẻ lớn.
Trung Quốc không muốn thể diện của mình bị suy giảm khi có
thêm những nước khác cùng Philippines tìm đến Tòa án quốc tế thì nay Việt Nam
cũng phải sử dụng mọi biện pháp tự vệ, trong đó có biện pháp pháp lý để bảo vệ
mình.
Việc nhiều quốc gia kiện Trung Quốc sẽ buộc đặt câu hỏi tại
sao một nước luôn kêu gọi hòa bình lại bị nhiều nước nhỏ ngờ vực đến vậy. Việt
Nam có cơ hội để tuyên truyền hâm nóng lại vấn đề chủ quyền Hoàng Sa mà Bắc
Kinh không muốn đàm phán.
Các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt
Nam đã nổ ra không chỉ trên dải đất chữ S mà khắp thế giới nơi có người Việt
sinh sống.
Trung Quốc đã đánh giá sai về quyết tâm của người Việt. Quan
hệ hai nước dày công vun đăp trong những năm qua từ sau bình thường hóa 1991
đang đứng trước những thử thách và khó khăn
Với Việt Nam, những hệ quả trực tiếp của sức nóng từ tình
hình Biển Đông không phải là không to lớn. Thị trường chứng khoán non trẻ Việt
Nam trong hai ngày 8/5 và 15/5 bốc hơi hàng chục ngàn tỷ đồng. Cùng đó giá vàng
tăng vọt làm người dân đôi lúc đã “bấn loạn.”
Các sự kiện xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trong
các ngày 13-14/5 gây nên một số bất ổn nhất định về an ninh trật tự xã hội.
Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được sơ tán đưa về nước. Khoảng 60.000 người
lao động Bình Dương bị ảnh hưởng. Hàng loạt các chuyến bay và các tour du lịch
của người Trung Quốc bị đình hoãn.
Nhưng Việt Nam vẫn có được lòng dân cả trong và ngoài nước.
Trung Quốc vu cáo, rút công nhân về nước nhưng tình hình kinh tế của Việt Nam
vẫn ổn định. Bão ở đất liền do dư chấn Biển Đông đã may mắn được chặn đứng
bởi sự điều hành kiên quyết, kịp thời của Chính phủ Việt Nam ổn định tình hình
và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư của thế giới. Nhìn về tổng
thể, lượng vốn FDI cả các dự án cấp mới và tăng thêm tính đến 20/5/2014 đạt hơn
5,5 tỷ USD Mỹ, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Hơn thế, chính sự kiện Hải Dương-981 là cơ hội để Việt Nam
xem xét lại chính sách kinh tế của mình, điều chỉnh để bớt phụ thuộc Trung
Quốc. Và không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đã từ sự việc này để nhìn
lại và điểu chỉnh chính sách kinh tế của mình, giảm bớt phụ thuộc vào Trung
Quốc.
Cho dù vậy, cũng phải thừa nhận là, Việt Nam đã và sẽ bị ảnh
hưởng kinh tế, khi công cuộc xây dựng kinh tế bị ảnh hưởng bởi tình hình Biển
Đông.
Giải pháp nào cho xung đột?
Các cuộc xung đột quốc tế thường có một kết thúc dựa trên
tương quan lực lượng và kết quả tổng hợp trong 5 lĩnh vực chính trị, ngoại giao,
quân sự, kinh tế và truyền thông. Xét quy mô kinh tế, lực lượng quân sự, bộ máy
truyền thông Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc.
Tuy nhiên một nước nhỏ nếu biết sử dụng tổng hợp sức mạnh
tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ quốc tế luôn là đối thủ khó
chịu cho các nước lớn.
Thực tế cho thấy nhiều nước lớn như Mỹ, Nga đều lao đao vì
các cuộc chiến trực tiếp với các nước nhỏ. Trung Quốc không phải ngoại lệ nhất
là với một dân tộc như Việt Nam ngoan cường, hiểu biết rõ đối phương và sẵn
sàng hy sinh.
Địa thế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những cuộc tấn công
chia cắt chớp nhoáng nhưng lại là một “tàu sân bay không bao giờ chìm” án ngữ
hầu hết chiều dài tuyến vận chuyển năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc.
Áp dụng chiến tranh du kích trên biển, lấy ít địch nhiều,
trường kỳ kháng chiến vẫn là thế mạnh của Việt Nam dù Việt Nam luôn kiên định
lập trường biện pháp quân sự chỉ là cuối cùng khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm
phạm.
Quan điểm Việt Nam thể hiện rõ trong tuyên bố của các lãnh
đạo cấp cao: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các
quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải
quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa
bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận
về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các
quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật
Biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa
hai bên.”
Theo điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, các biện pháp hòa
bình bao gồm từ đàm phán, trung gian hòa giải, các tổ chức quốc tế cho đến các
hành động pháp lý. Việt Nam đang và sẽ kiên trì đề nghị đàm phán, thông báo
tình hình căng thẳng ở Biển Đông cho Liên hợp quốc, ASEAN, tổ chức các nước
không liên kết, và các nước khác.
Indonesia và Nga đều đã tỏ ý sẵn sàng có vai trò trung gian
hòa giải. Indonessia là nước sáng lập và có vai trò lãnh đạo ASEAN, có tiếng
nói, đã từng đóng vai trò trung gian hòa giải trong quan hệ Việt Nam-Campuchia
năm 1991 và gần đây nhất 2012 Ngoại trưởng Indonesia đã cứu vớt ASEAN bằng
tuyên bố 6 điểm sau khi khối này không đạt được một Tuyên bố chung cấp cao
trong lịch sử.
Vai trò trung gian hòa giải của Indonesia cũng phù hợp với
chính sách của ASEAN giải quyết các bất đồng trong khu vực không có sự can
thiệp từ bên ngoài. Một ủy ban điều tra hòa giải cũng có thể được thành lập
trên cơ sở yêu cầu Liên hợp quốc.
Tuy Ủy ban không có những quyết định bắt buộc nhưng các
khuyến nghị của Ủy ban và dư luận quốc tế sẽ định hướng cho một giải pháp. Việt
Nam cũng có thể lựa chọn giải pháp pháp lý vào thời điểm cần thiết khi các biện
pháp khác không giải quyết được vấn đề. Mọi giải pháp chỉ có thể thực hiện trên
thiện chí của các bên.
Trên thực địa, chiến thuật “chuột vờn mèo” của Cảnh sát biển
và Kiểm ngư Việt Nam đã làm phía Trung Quốc tiêu tốn hàng triệu USD mỗi ngày
cho việc duy trì giàn khoan và hơn 130 tàu hộ tống.
Công tác tuyên truyền trong và ngoài nước và những phản ứng
ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả sẽ giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn
các quyền lợi chính đáng của một nước ven biển và những hành động không thể
chấp nhận trong quan hệ quốc tế.
Sức mạnh tổng hợp thực địa, ngoại giao, pháp lý, kinh tế,
truyền thông và tương quan chính trị sẽ buộc Hải Dương-981 phải dịch chuyển.
Nhưng, sau Hải Dương-981, cuộc đấu tranh trên Biển Đông vẫn
là một cuộc trường kỳ.
Về phía mình, Trung Quốc cũng hiểu rõ bước phiêu lưu vượt
qua lằn ranh đỏ chiến tranh nên khả năng một cuộc chiến lớn khó nổ ra. Song một
hành động quân sự chớp nhoáng, hạn chế nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn tiềm ẩn.
Trên bàn cờ chính trị quốc tế, trong một thế giới đang ngày
càng phẳng, các nước ngày càng cần đến nhau, đến một tình hữu nghị bền vững.
Sự kiềm chế của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam trước các
cú đâm va, vòi rồng của phía Trung Quốc không phải chỉ cho mình mà cho cả hòa
bình ổn định khu vực và thế giới.
Chiến tranh luôn tàn khốc cho cả hai phía, nhất là cho người
dân và gây hỗn loạn cho cả khu vực. Chính vì vậy quan điểm kiềm chế, không sử
dụng lực lượng quân sự, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình của
Việt Nam đã, đang và sẽ được các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao,
ủng hộ.
Ngược lại chiến tranh sẽ làm cho “giấc mơ Trung Hoa” khó
thực hiện và tạo điều kiện cho sự can dự của các bên thứ ba- điều mà Trung Quốc
hoàn toàn không muốn./.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét