Hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái
phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, Việt Nam đã kiên trì sử
dụng các biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hành động gây
căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí này, Trung Quốc tiếp tục
có những hành vi hung hăng hơn. Đây là khẳng định của
ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo quốc
tế về tình hình Biển Đông chiều 5/6 tại Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo |
Tàu Trung Quốc cư xử vô nhân đạo
Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia
(Bộ Ngoại giao) cho biết, trong hơn một tháng qua kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt
trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
Việt Nam, Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc. Đến nay, đã có
trên 30 cuộc trao đổi các loại. Trên thực địa, các tàu chấp pháp dân sự của
Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ
tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao sự kiềm
chế và cách xử lý của Việt Nam,
đồng thời phê phán những hành động sai trái của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí này, Trung
Quốc đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn
phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, Trung Quốc đã có hành động leo thang mới: mở
rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới
có tọa độ 15-33.38 Bắc/111-34.62 Đông, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên
tới 140 tàu, hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, trong đó có
nhiều tàu quân sự.
Các tàu của Trung Quốc đã tiến hành vây hãm, chủ động tấn
công, cố tình đâm va và dùng vòi rồng công suất cao phun vào tàu dân sự của
Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền
tài phán của Việt Nam; làm bị thương một số cán bộ kiểm ngư Việt Nam và gây hư
hỏng nhiều tàu, thiết bị của cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh
cảnh sát biển Việt Nam thông tin thêm, từ ngày 3/5 đến nay, các tàu bảo vệ
Trung Quốc đã đâm va, phun nước gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên và làm hư
hỏng 24 tàu thực thi pháp luật Việt Nam (bao gồm 5 tàu cảnh sát biển và 19 tàu
kiểm ngư).
Đại diện cho lực lượng kiểm ngư, Phó Cục trưởng Hà Lê cho
biết, thời gian này đang là đợt cao điểm vụ cá nam trên biển – mùa đánh bắt
chính trong năm của bà con ngư dân Việt Nam. Chính vì vậy, ngư dân nhiều
địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung tiếp tục bám biển dài ngày để
khai thác hải sản. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp, đâm
chìm các tàu cá Việt Nam
đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên ngư trường truyền thống của
Việt Nam.
Chỉ tính từ ngày 7/5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình
thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Việt Nam đã
bị các lực lượng chấp pháp và tàu cá Trung Quốc cản trở, uy hiếp, phá hoại tài
sản, đối xử thô bạo.
Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 26/5/2014 khi
tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS (có 10 ngư dân trên tàu) đang hoạt động khai
thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị tàu cá của
Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. “Đáng chú ý là hành động của tàu cá
Trung Quốc rất manh động, thể hiện rõ mục đích đâm chìm tàu cá việt Nam khi
liên tục bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu
Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư
dân trên tàu ĐNa-90152-TS. Điều này thể hiện rõ hành vi vô nhân đạo của Trung
Quốc đối với ngư dân Việt Nam”,
Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư Hà Lê nhấn mạnh.
Việt Nam kiên trì biện pháp hòa bình
Trước hành vi hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc, người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam hết sức kiên trì, sử
dụng các biện pháp hòa bình, trao đổi ở nhiều cấp khác nhau thể hiện quyết tâm
bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết thêm, biện pháp chủ yếu được lực
lượng thực thi pháp luật Việt Nam sử dụng là tiếp cận, dùng loa tuyên truyền
yêu cầu giàn khoan và các lực lượng bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển
Việt Nam; đồng thời tiến hành quay phim, chụp ảnh ghi lại các hành động của
giàn khoan và các tàu bảo vệ Trung Quốc trên hiện trường làm bằng chứng, tư
liệu để đấu tranh trên tất cả các kênh. Các tàu cảnh sát biển Việt Nam nhiều lần tiếp cận giàn khoan Trung Quốc để
tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng (Việt Nam,
Trung Quốc, Anh) yêu cầu lực lượng Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
“Sau một tháng, mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp
tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, song lực lượng cảnh sát
biển, kiểm ngư Việt Nam đã kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện
nghiêm đối sách, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm
va của các tàu Trung Quốc”, ông Thu chia sẻ.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia,
cho biết thêm, ngày 23/5/2014, lần thứ hai Bộ Ngoại giao Việt Nam trao Công hàm
gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên
tiến hành đàm phán xác định tính pháp lý khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
981. Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn lảng tránh, không trải lời công hàm của Việt
Nam.
Đến ngày 4/6/2014, lần thứ 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại một
lần nữa trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc , yêu cầu phía Trung Quốc
nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ
quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam, rút giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng
biển Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.
“Việt Nam mong muốn thế giới, các cơ quan truyền thông trong
nước và quốc tế với tinh thần công tâm, khách quan, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ
việc làm sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chính nghĩa và công lý”, ông Trần Duy
Hải cho biết.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: baotintuc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét