Những tư liệu mà phía Trung Quốc gửi tới Liên hợp quốc là cố
ý bóp méo sự thật để biện minh cho hành vi sử dụng vũ lực xâm lược quần đảo
Hoàng Sa từ năm 1974.
|
Ngày 9/6, Vương Dân, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại
Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Chủ tịch HĐBA LHQ kèm theo cái gọi là “chứng cứ”
Việt Nam thừa nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa
là của Trung Quốc. “Chứng cứ” này bao gồm Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
năm 1958, Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Tập bản đồ thế giới…xuất hiện vào những
năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Những tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn này là có thật.
Tuy nhiên, nội dung của các tài liệu này cụ thể ra sao và giá trị pháp lý của
chúng như thế nào? Đó là những câu hỏi cần được phải làm sáng tỏ trên
tinh thần thật sự khách quan, trung thực, cầu thị…:
Thứ nhất, xin nói về hình thức của
các tư liệu này:
Tài liệu đầu tiên mà Trung Quốc thường xuyên nêu lên trong
tất cả các lập luận về cái gọi là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng
thừa nhận “chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa, Nam Sa”. Thực chất đây chỉ
là bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho cố Thủ tướng Chu Ân Lai năm
1958 có liên quan đến Tuyên bố quy định về chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của
CHND Trung Hoa; hoàn toàn không phải là “Công hàm” như phía Trung Quốc đã nhấn
mạnh.
Các tài liệu khác như Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Tập bản
đồ thế giới…thực chất đây là những tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy,
nghiên cứu, học tập…
Ngoài ra, còn có một số nội dung khác đã được trích dẫn chủ
yếu là những cuộc trao đổi, phát biểu cá nhân của một số cán bộ
ngoại giao trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Thứ 2, nói về nội dung của các tài
liệu này:
Nội dung bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Căn cứ vào
câu chữ của bức thư này thì rõ ràng không hề có một câu chữ nào đề cập
đến “Tây sa”, “Nam Sa”:… “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng
quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để
tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời
chào rất trân trọng”
Nội dung các tư liệu khác đúng như những gì mà Trung Quốc đã
dẫn.
|
Thứ 3, nói về hoàn cảnh ra đời của những tài liệu
này:
Xin lưu ý rằng tất cả các tài liệu nêu trên đều xuất
hiện vào thời điểm trước những năm 70 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm mà tình
hình trong nước và quốc tế về chính trị, ngoại giao, pháp lý… mang những
nét đặc thù liên quan rất lớn đến giá trị pháp lý của các tư liệu nói trên, cụ
thể là:
Đất nước tạm thời chia làm 2 miền với 2 chủ thể bình đẳng
trong quan hệ quốc tế, có trách nhiệm quản lý lãnh thổ ở 2 niềm Nam, Bắc, được
phân chia bởi vỹ tuyến 17 theo quy định của Hiệp định Geneve 1954.
Sau một thời gian dài, cả dân tộc Việt Nam, bất kể già trẻ
trai gái, không phân biệt quan điểm chính trị, thành phần giai cấp…đều dốc
lòng, dốc sức cho cuộc kháng chiến chông ngoại xâm, giành quyền độc lập, tự do,
hạnh phúc…bằng nhiều phương thức có lợi nhất cho công cuộc kháng chiến cứu
quốc, chống giặc ngoại xâm…Trong hoàn cảnh đó, sau khi hòa bình được lập lại,
biết bao khó khăn bộn bề mà cả chính thể 2 miền Nam Bắc đều phải tập
trung ưu tiên giải quyết… Cũng cần phải nói một cách thẳng thắn rằng những nội
dung liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, cả trên thực địa và trên mặt trân đấu tranh ngoại giao pháp lý, cũng còn
nhiều bất cập, thậm chí còn có những sơ suất, sai sót…Tuy nhiên, có thể khẳng
định rằng điều này không phải xuất phát từ ý thức, mà chủ yếu là từ thực lực,
nhận thức, hiểu biết…do thiếu thông tin hoặc thông tin không được cập nhật và
tập trung.
Ngoài ra, có vấn đề không thể không đề cập đến khi nghiên
cứu, đánh giá những nôi dung nói trên; đó là những chủ trương, chính sách của
các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực và quốc tế, trước những
thay đổi về địa-chính trị, địa- chiến lược, địa-kinh tế…trong khu vực có liên
quan đến vị trí, vai trò của 2 quần đảo này giữa Biển Đông. Trong đó không thể
không nói đến tư duy ý thức hệ được hình thành và liên kết trong thời kỳ chiến
tranh lạnh…
Xuất phát từ bối cảnh chính trị đó, sự xuất hiện các tài
liệu nói trên, thậm chí có cả những hành động không làm tròn được sứ mệnh bảo
vệ, quản lý trên thực tế quần đảo Hoàng Sa và một số đảo trong quần đảo Trường
Sa cũng là điều có thể lý giải được…
Thứ 4, những tài liệu Trung Quốc dẫn ra hoàn toàn
không có giá trị pháp lý
Dưới ánh sáng của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế có liên
quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ và theo cách nhìn nhận đánh giá của giới luật
gia, luật sư, chúng ta hãy xem xét giá trị pháp lý của các tư liệu này: Có phải
đó là bằng chứng có giá trị pháp lý chứng minh rằng Nhà nước Việt Nam đã
thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hay
nói một cách khác, các tài liệu này có phải là những bằng chứng chứng minh rằng
Nhà nược Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền của mình đối Hoàng Sa, Trường Sa hay
không? Câu trả lời là không. Vì sao?
Phải khẳng định rằng, cho dù nội dung của các tư liệu nói
trên có nói đến “Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc” thì chúng cũng chỉ là những
tư liệu vô giá trị pháp lý trước ánh sáng của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế,
bởi vì:
Chúng chỉ là những tư liệu, những phát biểu cá nhân, không
phải là những văn bản quy phạm pháp luật được phê chuẩn bởi Cơ quan quyền lực
nhà nước, hoặc bởi những tổ chức, cá nhân được ủy quyền đại diện hợp pháp cho
Cơ quan quyền lực đó.
Vào thời điểm đó, đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc
bảo vệ, quản lý lãnh thổ đối với 2 quần đảo này theo quy định của Hiệp định
Geneve là chính quyền miền Nam Việt Nam, lúc đầu là Quốc gia Việt Nam, về sau
là Việt Nam Cộng hòa, kế đến là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam.
|
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có trách nhiệm nghĩa vụ pháp
lý trong việc bảo vệ quản lý vùng lãnh thổ ở phía Nam vỹ tuyến 17. Đó là một
thực tế pháp lý rõ ràng, không thể chối cãi được, cho dù về mặt chính trị, tư
tưởng, quan hệ ngoại giao, có thể có lúc, có nơi, chính thể Việt Nam Cộng hòa
đã bị lên án, phủ nhận…Nhưng đó lại là chuyện khác, chuyện chính trị, ý thức
hệ, lập trường giai cấp. Mà chuyện chính trị, tư tưởng, ý thức hệ không có giá
trị phủ nhận, chối bỏ những quy định pháp lý trong quan hệ quốc tế.
Trong thực tế, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định
Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như
bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này.
Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của
Hải quân Việt Nam Cộng hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung
Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Và để chứng minh vai trò của Chính quyền miền Nam với tư
cách là đại diện hợp pháp cho Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, quản lý chủ
quyền, lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như thế
nào, chúng tôi xin trích dẫn các sự kiện quan trọng và có ý nghĩa say đây:
Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù
Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, không còn ràng buộc vào
Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng
3 năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về
ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt
Nam trong vấn đề chông lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo
Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo Hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp dựng nên
chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu;
tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông , trong đó có 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1949, Tổ chức khí tượng thế giới (OMM: Organisation
Mondiale de Meteorologie) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các
trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào
danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng
Sa số 48860, Trạm Ba Bình số 48419.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp ký với cựu hoàng Bảo Đại Hiệp
định Hạ Long, trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4, Hoàng thân Bửu
Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn
Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và
Chính phủ Bảo Đại.
Từ 5 tháng 9 đến 8 tháng 9 năm 1951, Hội nghị San
Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Tại phiên
họp toàn thể mở rộng, ngày 5 tháng 9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận đã bác
bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Gromyco (Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của
Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung : Nhật thừa nhận chủ quyền của CHND Trung
Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam .
Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của
Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt nam: “et comme il faut franchement
profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous
affirmons nó droits sur les iles de Spratley et de Paracel qui de tout temps
ont fait partie du Vietnam”. Không một đại biểu nào trong Hội nghị này có bình
luận gì về tuyên bố này. Ngày 8 tháng 9 năm 1951, Hòa ước với Nhật được ký kết.
Điều 2, Đoạn 7, của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và
tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly”(khoản f).
Tháng 4 năm 1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông
Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Công hòa, đã ra tiếp quản
nhóm phía Tây quàn đảo Hoàng Sa của Việt nam” và tuyên bố khẳng
định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.
Ngày 22 tháng 8 năm 1956, Tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam
Cộng hòa đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vê quần đảo
trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài
Loan và Philippines.
Ngày 20 tháng 10 năm 1956, bằng Sắc lệnh 143/VN
Việt Nam Cộng hòa đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.
Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa đã có quyết định bổ nhiệm ông
Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái
viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ
chức Phái viên hành chính Hoàng Sa.
Ngày 13 tháng 7 năm 1961, VNCH sáp nhập quần đảo Hoàng
Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 1967, VNCH ban hành Nghị định 809
–NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức phái viên hành chính xã Định Hải (Hoàng
Sa), quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 21 tháng 10 năm 1969, bằng Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26
của Thủ tướng VNCH sáp nhập xã Định Hải ( quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long
quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Philippines tiến hành vào thời điểm giao
thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối: Ngày 24 tháng 5 và
ngày 8 tháng 6 năm 1956, Việt Nam Cộng hòa ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng
Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố
khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.
Ngày 13 tháng 7 năm 1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần
đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng
hòa ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải,
quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Từ 17 tháng 01 đến 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc huy động
lực lượng quân sự đánh chiêm nhóm phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến
đấu quả cảm, nhiều binh sỹ đã anh dũng hy sinh, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã
không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên trên mặt trận
ngoai giao Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liện Hợp Quốc
và công đồng quốc tế: Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng
hòa đã ra Tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án
hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiên này:
Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng
liêng đối với mỗi dân tộc.
Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng
giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần
bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng
thương lượng.
Ngày 01 tháng 02 năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tăng cường lực
lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường
sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ mà theo nhận định ủa Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu: “Trung cộng sẽ đánh Trường Sa và xâm chiếm bằng vũ lực
giống như Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ”.
Ngày 02 tháng 7 năm 1974, tại Hội nghị luật biển lần thứ 3
của LHQ tại Caracas, đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc
xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam , chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo
này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng.
Ngày 14 tháng 02 năm 1975, VNCH công bố Sách trắng về chủ quyền
của Việt nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Ngày 05 tháng 04 năm 1975, Lực lượng Hải quân quân giải
phóng nhân dân miền Nam Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo
Trường Sa .
Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân giải
phóng nhân dân Nam Việt Nam dưới sự lãnh đao của Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa niềm Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa
đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác
trong quần đảo Trường Sa .
Ngày 05 tháng 06 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ
quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02 tháng 07 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội
khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thông nhất được bầu vào ngày 25
tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn
tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa.
Từ những sự kiện nói trên, chúng ta khẳng định rằng tất cả
những tư liệu mà phía Trung Quốc đã viện dẫn là cố ý bóp méo sự thật để biện
minh cho những hành vi sử dụng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974
trở về trước, rồi tiếp đến là xâm lược một số bãi cạn ở phỉa Tây Bắc quần đảo
Trường Sa năm 1988, và hiện nay đang triển khai một cuộc xâm lăng kiểu mới, một
cuộc “xâm lược mềm”…với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt
Nam trong hơn một tháng nay, là uổng công vô ích, không thể thuyết phục được
ai.
Điều đó càng làm cho dư luận quốc tế, kể cả đa số người
Trung Quốc, hiểu rõ hơn bản chất xâm lược, bất chấp luật pháp quốc tế, đe họa
đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, đe dọa an ninh an toàn hàng hải,
hàng không quốc tế…của một số thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang tồn
tại ở Trung Quốc.
Chủ quyền biển đảo (tổng
hợp)
Theo: giaoduc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét