Trước tình hình Trung Quốc ngày càng đẩy căng thẳng
leo thang trên biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm sẵn sàng khởi kiện
Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Bắc Kinh vẫn không rút giàn khoan Hải
Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tàu cá Trung Quốc dàn hàng lao vào khu vực tàu cá Việt Nam |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam đang “cân
nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật
pháp quốc tế”.
BBT xin giới thiệu loạt bài của luật sư
Trinh Nguyễn* và đồng nghiệp, phân tích sâu về lý do tại sao Việt Nam nên khởi
kiện, những thách thức sẽ phải đương đầu cũng như những luận cứ lịch sử cần
thiết cho vụ kiện này.
Kỳ 1: Thời cơ có tiếng nói
chính thức thông qua cơ quan tài phán quốc tế
Việt Nam từ lâu đã bằng cách này hay
cách khác, thông qua nhiều kênh thông tin để khẳng định chủ quyền trên quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng phần lớn những khẳng định đó là tuyên bố của Việt
Nam chưa có một sự đối thoại chính thức và có tính ràng buộc với Trung Quốc
trước sự chứng kiến của một bên thứ ba được trao quyền tài phán.
Do vậy, khi chính thức đưa đơn kiện lại Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, bản thân
việc đưa đơn kiện đó đã giúp Việt Nam khẳng định rằng mình tin vào chính nghĩa
và tự tin vì có những bằng chứng để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo
Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế.
Đây không chỉ là cuộc chiến pháp lý mà là một phương cách
chính thống nêu quan điểm chính thức và dứt khoát của Việt Nam về việc này
trước dư luận quốc tế. Đây cũng là cơ hội để phản bác lại lập luận của một số
học giả Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã không có bất kỳ phản đối chính thức nào
về việc chiếm đóng liên tục của Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa.
Bản thân việc khởi kiện đã là một lời tuyên bố mạnh mẽ của
Việt Nam về niềm tin vào công lý và luật pháp quốc tế và là một lời kêu gọi
cộng đồng quốc tế quan tâm thật sự vào việc này. Hiện tại, vì tiềm lực kinh tế
của Trung Quốc rất mạnh và hầu như rất nhiều nước trên thế giới có quan hệ kinh
tế với Trung Quốc, do đó, cho dù họ muốn lên tiếng ủng hộ Việt Nam thì cũng
phải có một cái cớ và một cơ sở nào đó. Cơ sở pháp lý đưa ra tại một cơ quan
tài phán sẽ là cơ sở để cộng đồng quốc tế nhìn vào đó mà lên tiếng ủng hộ.
Tại sao vào thời điểm này?
Về phương diện kỹ thuật pháp lý, nếu một bên đưa ra vụ kiện
tại một cơ quan tài phán với tư cách nguyên đơn thì sẽ có những lợi thế nhất
định trong việc cơ cấu và trình bày các chứng cứ.
Có thêm 1 tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm trực diện |
Đưa vào đơn khởi kiện và những yêu cầu khởi kiện (claims) mà
cơ quan tài phán được lựa chọn sẽ yêu cầu bên bị đơn đưa ra những bằng chứng để
phản biện lại những vấn đề trên. Bằng cách đó, chúng ta sẽ biết được những căn
cứ pháp lý mà Trung Quốc đưa ra. Cũng về mặt kỹ thuật pháp lý, bên nguyên
đơn (claimant) sẽ chủ động hơn về mặt thời gian và chủ động trong việc chọn lựa
cơ quan tài phán thích hợp cho các yêu cầu khởi kiện của minh (claims).
Xin lạm bàn một chút về những phương án có thể được xem xét
trong tình hình hiện nay. Nếu xét một cách khoa học các phương án theo phương
pháp loại trừ thì có lẽ việc đưa vụ việc này ra tài phán quốc tế là phương án
khả thi nhất trong thời điểm hiện tại. Vì sao?
1. Khả năng dùng vũ lực (trừ khi để tự vệ) đã bị loại
trừ ngay từ đầu vì nhiều lý do, mà quan trọng nhất là việc tuân thủ luật pháp
quốc tế. Hơn nữa, nếu trong tình huống bắt buộc phải tự vệ thì việc không cân
xứng lực lượng là một việc cần phải được cân nhắc.
Khi đó, nếu nhờ vào đồng minh thì phải có thờì gian thành
lập liên minh và đương nhiên khi nhờ vả hoặc nhận sự hỗ trợ quân sự của một ai
thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc, điều mà Việt Nam chưa sẵn
sàng. Việc tìm kiếm đối tác chiến lươc cũng khả thi, tuy nhiên cũng cần
có thời gian chuẩn bị.
2. Khả năng đàm phán bằng con đường ngoại giao đã được
thực hiện một cách gần như triệt để. Hàng chục cuộc điện đàm, trao đổi gặp mặt
thuộc các cấp đều chưa đạt đến các kết quả mong muốn.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc - bên đã
ra quyết định đặt giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền
- đã nhấn mạnh rằng việc lắp đặt giàn khoan này đã được sự chấp thuận của chính
phủ Trung Quốc.
Như vậy, bằng sự hiện diện của giàn khoan này, chính phủ
Trung Quốc đã ngang nhiên thể hiện ý đồ khẳng định quyền được khai thác trên
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì vị trí giàn khoan Hải Dương 981 đặt cách
đảo Tri Tôn - một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - 17 hải lý, cách
đảo Lý Sơn 119 hải lý.
Đây có thể nói là một sự vi phạm của Trung Quốc đối với chủ
quyền lãnh thổ của Việt Nam. Do đó, có thể là một trong những bằng chứng để
Việt Nam khởi kiện yêu cầu tuyên bố sự vi phạm này và yêu cầu không vi phạm.
Mục đích khởi kiện
Có người cho rằng, việc khởi kiện sẽ không có lợi vì hai bên
trong vụ kiện sẽ khó ngồi lại với nhau trong các đàm phán/giao dịch tương lai.
Trong con mắt của các luật sư, việc đưa một vụ việc ra giải quyết tại một cơ
quan tài phán không làm chấm dứt con đường đàm phán.
Luật sư Trinh Nguyễn |
Ngược lại, bằng việc đưa một vụ việc ra phân xử tại cơ quan
tài phán, bên nguyên có thể thúc đẩy việc ngồi lại đàm phán một cách hiệu quả
hơn.
Việc đưa ra khởi kiện còn là một bài toán, một nước cờ mà yếu
tố thời gian cần được cân nhắc.
Mặc dù việc Trung Quốc có đặt giàn khoan tại
vùng đặc quyền kinh tế không là một cơ sở duy nhất và đầu tiên để Việt Nam đưa
vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ ra cơ quan tài phán quốc tế, hành động lố bịch
của Trung Quốc và các manh động khác (dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt
Nam, dùng tàu để đâm vào tàu ngư dân Việt Nam…), có thể được ví như là một tình
huống khẩn cấp cần được giải quyết.
Trong trường hợp này, với sức ép của dư luận cộng với các
biện pháp có thể được tiến hành đồng thời hoặc từng bước hậu thuẫn, thì việc
Việt Nam đưa vụ việc vi phạm chủ quyền ra cơ quan tài phán quốc tế sẽ được lưu
tâm và giải quyết sớm.
Khi quyết định đưa ra khởi kiện, đôi khi mục đích của bên
khởi kiện là tạo một sức ép để bên kia đàm phán nghiêm chỉnh. Khi đơn kiện được
nộp đúng nơi và được thụ lý bởi cơ quan tài phán có thẩm quyền là bên khởi kiện
đã thành công được 50%.
Trong vụ việc này, nếu mục đích chính của Việt Nam là muốn
có một tiếng nói chính thức bằng con đường sử dụng luật pháp quốc tế thì nếu đã
làm bài toán loại trừ, có lẽ đây là một phương án khả thi nhất. Phương án
này cũng không triệt tiêu các phương án khác mà có thể kết hợp với các phương
án khác khi cần thiết.
Nhưng muốn đánh giá được xác suất thành công (thắng kiện chỉ
là một thành công trong những thành công có thể có như đã nêu ở trên) thì chỉ
khi nào bắt tay và lập kế hoạch khởi kiện cụ thể, và bắt tay vào soạn thảo đơn
kiện và đánh giá chứng cứ mới có thể đánh giá chính xác hơn sự thành công của
vụ kiện.
Do vậy, tôi nghĩ đây là thời cơ tốt nhất để Việt Nam đưa các
cơ sở pháp lý của mình ra một cơ quan tài phán để khẳng định rằng Việt Nam luôn
khẳng định và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đã được thiết lập của mình đối với
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong trận chiến pháp lý, khi thời cơ đã đến thì phải nắm
lấy và hành động. Một số ý kiến quan ngại các khó khăn mà Việt Nam sẽ gặp phải
như việc Trung Quốc sẽ từ chối không tham gia vụ kiện hoặc cần phải kiện ở tòa
nào và đưa ra các yêu cầu khởi kiện gì. Đây là các vấn đề kỹ thuật pháp
lý sẽ được xử lý bởi các chuyên gia pháp lý chứ không phải là những trở ngại
cho chủ trương khởi kiện.
(*). “Trinh Nguyễn là luật sư tốt nghiệp thạc
sĩ luật tại đại học Queensland University (Australia). Cô có kinh nghiệm làm
việc với các hãng luật quốc tế như Freehills, Phillip Fox, HopGood Ganim.”
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Thanhnien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét