Theo các tư liệu vừa được Hiệp hội
Báo chí điều tra quốc tế công bố trong tuần qua, tổng công ty Dầu khí Hải Dương
Trung Quốc, hiện đang hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam cũng là một trong những “vựa” tiền của quan chức
Trung Quốc và thân nhân họ. Nội dung các tư liệu này cũng phơi bày “tử huyệt”
của nền kinh tế hiện đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) vì phải phụ thuộc vào
những quốc gia, những quốc đảo cách xa Trung Quốc hàng ngàn kilômét.
>> Âm mưu mới của Trung Quốc ở giàn khoan trái phép khi mùa mưa bão tới
>> Chính sách ngoại giao mâu thuẫn là điểm yếu của Trung Quốc
>> Đằng sau hàng loạt vụ tự tử trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc
>> Âm mưu mới của Trung Quốc ở giàn khoan trái phép khi mùa mưa bão tới
>> Chính sách ngoại giao mâu thuẫn là điểm yếu của Trung Quốc
>> Đằng sau hàng loạt vụ tự tử trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc
|
Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế đưa ra con số: gần 22.000
doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài có trụ sở chính ở đại lục Trung Quốc và Hồng
Kông bị quan chức Trung Quốc hoặc thân nhân của họ lũng đoạn.
Tập đoàn Pricewaterhouse Cooper (chuyên về tư vấn, kiểm
toán), Tập đoàn tài chính đa quốc gia UBS (trụ sở chính ở Zurich và Basel thuộc
Thụy Sĩ), các ngân hàng phương Tây khác và doanh nghiệp kiểm toán đóng vai trò
quan trọng là làm trung gian “giúp đỡ” khách hàng Trung Quốc thành lập quỹ ủy
thác, các công ty ở quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa, và mọi trung tâm điều
hành doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài thường do những “bàn tay quyền lực ngầm”
ở Trung Quốc nắm giữ.
Dựa vào ảnh hưởng quyền lực, thân nhân quan chức cấp cao
Trung Quốc thường “nặn” ra các công ty có vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo một
vài con số ước tính, kể từ năm 2000 đến nay có khoảng 1-4 tỉ USD trong khối tài
sản do người thân của giới cầm quyền Trung Quốc mất “dấu vết” trong nước và
được “rửa” ở nước ngoài.
Tư liệu tiết lộ con trai của một cựu quan chức cao cấp đã
thành lập Công ty tư vấn tài chính Trend Gold nhờ sự giúp đỡ từ Văn phòng Ngân
hàng Credit Suisse ở Hồng Kông vào năm 2006. Được du học kinh tế ở Mỹ, nên “đại
công tử” này có kiến thức vững chắc về kinh tế tư bản, do đó người này đã đồng
sáng lập một tập đoàn vốn đầu tư tư nhân và năm 2012 trở thành chủ tịch Hội
đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ truyền thông Vệ tinh Trung Quốc – một doanh
nghiệp vốn nhà nước Trung Quốc có tham vọng trở thành nhà điều hành vệ tinh lớn
nhất châu Á.
Tư liệu cũng làm sáng tỏ vai trò trước đây trong một vụ bê
bối có liên quan đến Lily Chang, một “đại tiểu thư”. Thời báo New York từng có
bài điều tra: JPMorgan đã phải “lót tay” Công ty tư vấn Fullmark do Lily
điều hành khoản tiền trị giá 1,8 triệu USD phí tư vấn. Chồng của “đại tiểu thư”
Lily Chang là Liu Chunhang từng làm chuyên viên cấp cao về tài chính cho Morgan
Stanley, đã giúp vợ thành lập Công ty tư vấn Fullmark vào năm 2004 đồng thời
đứng tên làm giám đốc kiêm cổ đông chính cho đến năm 2006. Cũng trong năm này,
nhờ hậu thuẫn mạnh, Liu Chunhang đã trở thành công chức chính phủ điều hành hệ
thống ngân hàng Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng thay da đổi thịt kể
từ khi nước này lần đầu tiên đưa doanh nghiệp ra nước ngoài vào những năm 1990.
Trung Quốc tận dụng nguồn vốn, lợi nhuận cả trong và ngoài nước để quay vòng vốn
lưu động, tuy nhiên nhược điểm ở chỗ: quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nước
ngoài.
Những người bảo vệ cho chính sách thúc đẩy doanh nghiệp
Trung Quốc ra nước ngoài kinh doanh cho rằng, khối doanh nghiệp ngoài nước đã
giúp tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn có bằng chứng cho thấy
nhiều doanh nghiệp và người Trung Quốc làm ăn ở nước ngoài dính đến hoạt động
kinh doanh bất hợp pháp hoặc phạm tội hình sự, đặc biệt là tham nhũng ngày càng
tăng.
Tháng 9/2013, Zhang Shuguang, nguyên Tổng giám đốc một công
ty đường sắt Trung Quốc phải nhận tội hình sự vì “rút ruột” 2,8 tỉ USD cho vào
tài khoản của mình ở nước ngoài. Một báo cáo nội bộ Chính phủ Trung Quốc cũng
cho biết, Zhang đã dùng nhiều thủ đoạn để “hô biến” 120 tỉ USD ra khỏi Trung
Quốc kể từ giữa những năm 1980 cho đến khi bị bắt, trong đó có hàng tỉ USD được
rửa ở quần đảo Virgin.
Trước đó, năm 2011, Song Jun, nguyên lãnh đạo cấp cao Tập
đoàn Cosco phải hầu tòa vì biển thủ 6 triệu USD, nhận hối lộ 1 triệu USD từ một
đối tác Đài Loan, thành lập doanh nghiệp ma ở Anh hoạt động bất chính, lừa đảo
cả đồng hương Trung Quốc. Tuy nhiên, nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất của Trung
Quốc nằm trong ngành công nghiệp dầu khí – nơi những giếng, giàn khoan dầu là
“bầu sữa ngọt” cho quan chức cấp cao cùng thân nhân đua nhau hút cạn để làm
giàu và củng cố vững chắc quyền lực.
Theo tư liệu của Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế, 3 tập
đoàn dầu khí vốn Nhà nước Trung Quốc được xếp là một trong những tập đoàn lớn
nhất thế giới, tuy nhiên có quan hệ mờ ám với hàng chục công ty ở châu Âu, đặc
biệt ở Anh. Vì vậy cuộc chiến quyền lực và làm giàu trong nội bộ lãnh đạo Trung
Quốc quyết liệt nhất là thông qua đường ống dẫn dầu.
Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc Li Hualin đã
bị sa thải vào tháng 8/2013 sau khi bị điều tra về hành vi “vi phạm nghiêm
trọng kỷ luật”, đây là cách nói tránh từ phạm tội tham nhũng của Chính phủ
Trung Quốc. Li Hualin cũng đồng thời là giám đốc 2 công ty ở Virgin (Anh), đã
có công giúp nhiều quan chức và thân nhân rửa hàng trăm tỉ USD qua những thùng
dầu. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng vì để lộ bí mật và cố kiện đối thủ là
Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) nên người này phải “hứng chịu
hậu quả”.
Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế đã tìm được nhiều tư liệu
cho thấy ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc đang khủng hoảng trầm trọng vì
nạn tham nhũng, cho nên chuyện trốn thuế không có gì lạ. Hiệp hội Báo chí điều
tra quốc tế đã nêu đích danh tên các tập đoàn dầu khí Trung Quốc dính đến tham
nhũng gồm: Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn Dầu khí
Quốc gia Trung Quốc (PetroChina), Tổng công ty Dầu khí Hải Dương – CNOOC) –
doanh nghiệp đang hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp Hải Dương 981 trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cựu lãnh đạo an ninh quốc gia Chu Vĩnh Khang đã từng có 30
năm công tác trong ngành công nghiệp dầu khí trước khi trở thành một trong
những nhân vật được xem là “bất khả xâm phạm”. Tuy đã rời quan trường nhưng Chu
Vĩnh Khang vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng trong nền công nghiệp dầu khí nội địa
Trung Quốc. Một cuộc triệt phá tham nhũng được triển khai vào năm ngoái đã hạ
được nhiều mục tiêu là đồng nghiệp và những nhân vật chính trị thân tín với Chu
Vĩnh Khang từng có những năm tháng làm việc cùng nhau ở Tập đoàn Dầu khí Quốc
gia Trung Quốc.
Có ít nhất 5 giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia
Trung Quốc bị sa thải, bao gồm Phó chủ tịch Li Hualin, nhân vật từng có thời
gian làm thư ký cho Chu Vĩnh Khang. Nguyên chủ tịch Jiang Jiemin cũng bị “mất
ghế” ở chính phủ. Tổng giám đốc của hai công ty con trực thuộc Tập đoàn Dầu khí
Quốc gia Trung Quốc dính vào lao lý.
Vụ điều tra Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hiện đang ở
giai đoạn đầu và chưa có thông tin nào nêu ra liệu khối doanh nghiệp đầu tư ở
nước ngoài có liên quan đến tham nhũng
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: ANTG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét