Trung Quốc vẫn duy trì lượng tàu
lớn với khoảng 114-119 tàu các loại để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải
Dương-981.
Trung Quốc gia tăng tàu quân sự
Cập nhật thông tin đến thời điểm 16h ngày 3/7,
đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc vẫn duy trì lượng tàu
lớn với khoảng 114-119 tàu các loại để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải
Dương-981 và không cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiến lại
gần giàn khoan.
Trong số đó có 44-46 tàu Hải cảnh, 14-16 tàu
vận tải, 15-16 tàu kéo, 34 tàu cá và 7 tàu quân sự. Như vậy, so với thời gian
vừa qua, đây là đợt Trung Quốc huy động số lượng tàu quân sự lớn nhất, (từ
trước tới nay nhiều nhất chỉ có 4-6 chiếc tàu quân sự/ngày).
Cùng ngày, tàu Việt Nam đang hoạt động trên
biển Hoàng Sa đã phát hiện một lần chiếc máy bay Y-8X, một lần chiếc máy bay
chiến đấu J11 và một lần chiếc máy bay trực thăng của Trung Quốc bay qua khu
vực giàn khoan.
|
Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, trong
ngày các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn thực hiện các đợt tiếp cận giàn khoan, cách
giàn khoan từ 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật,
kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương-981 hạ
đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đáng chú ý, khi tàu Kiểm ngư Việt Nam tiến vào
gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, áp sát các tàu
Kiểm ngư để ngăn cản ở khoảng cách 200-300m, không cho các tàu Kiểm ngư Việt
Nam cơ động vào gần giàn khoan.
Trước tình thế đó, đại diện Cục Kiểm ngư Việt
Nam cũng khẳng định các tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã chủ động vòng
tránh an toàn, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp
luật.
Trong khu vực tàu cá của ngư dân đánh bắt thủy
sản, có khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh của Trung
Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam, không
cho các tàu cá của Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Hành động của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế
chủ quyền Việt Nam
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 3/7, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại
giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: Những hành
động leo thang gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng cảnh báo bão
trên toàn Biển Đông không thể làm thay đổi thực tế chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và bằng
chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Bởi vậy, trước thông tin Trung Quốc vừa đưa ra
đạo luật chống xâm nhập vùng Biển cấm do nước này đơn phương đặt ra, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, phía Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề này.
Phía Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kiên trì các
biện pháp đấu tranh hòa bình ở nhiều cấp khác nhau.
“Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để
mang lại lợi ích cao nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ,” ông Lê Hải Bình nói.
Mặc dù vậy, theo người phát ngôn Bộ Ngoại
giao, các bên vẫn cần phải ngồi vào bàn đàm phán dựa trên tinh thần tôn trọng
luật pháp và những chuẩn mực quốc tế.
Hoa Kỳ đã chính thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn
khoan
Ngày 2/7, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp
tục ghi nhận máy bay EP-3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở độ
cao khoảng 3.000m.
Đây là lần thứ hai các tàu thực thi pháp luật
Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Biển Đông, ghi nhận sự xuất
hiện của máy bay Mỹ.
Trước đó, hôm 1/7, trong buổi gặp gỡ với
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
tại Hà Nội, Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa
Kỳ đã bày tỏ quan ngại trước hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép
giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển Việt Nam.
Đồng thời, thiếu tướng Gari Her cũng
thông báo, vừa qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu
cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi, ủng hộ Việt Nam đấu
tranh với hành động sai trái của Trung Quốc bằng con đường hòa bình, phù hợp
với luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Trung Quốc kể tội Bắc Kinh
Trong khi đó, giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân
Hoành thuộc Trường ĐH Nhân Dân Trung Quốc cho rằng, các chính sách của chính
quyền Bắc Kinh sẽ khiến tranh chấp trên Biển Đông ngày càng tồi tệ hơn.
Nhận định của giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân
Hoành rất đáng chú ý bởi từ trước đến nay, các quan chức Trung Quốc nhiều lần
rũ bỏ trách nhiệm trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam
và Ấn Độ.
Chính quyền Bắc Kinh luôn miệng đổ lỗi cho Mỹ
gây rắc rối hòng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhận xét về thông tin Úc và Ấn Độ đang gần
nhau hơn, giáo sư Thời Ân Hoành nói rằng hoàn toàn “hiển nhiên” khi các quốc
gia này muốn thành lập “liên minh chiến lược” với những nước khác bao gồm Nhật
Bản và Mỹ. Theo ông Thời, đó là cách phản ứng trước sự lớn mạnh cũng như việc
mở rộng các hoạt động hải quân của Trung Quốc.
Ông Thời nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến
lược của nước này dù nó có phản tác dụng hay không. “Nguyên nhân xuất phát từ
niềm tin cá nhân và quan điểm chiến lược của các nhà lãnh đạo trong nước.
Ngoài ra còn bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan
đang lan tràn ở Trung Quốc trong khi quân đội có những toan tính riêng” – giáo
sư Thời cho biết. Do đó, xung đột ở biển Hoa Đông, Biển Đông và dãy Himalaya
(khu vực biên giới Ấn Độ – Trung Quốc) sẽ tiếp tục xấu đi.
Trong 2 năm qua, các xung đột lãnh thổ giữa
Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ leo thang đáng kể. Tất
cả đều bùng lên một lần nữa trong những tháng gần đây.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét