Bộ trưởng Ngoại giao Philippines
hôm 18/7 cho biết Manila đang thúc đẩy một cuộc họp các quốc gia Đông Nam Á có
tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông để đưa ra lập trường chung để đối phó với
Trung Quốc.
Cả Philipines và Trung Quốc hiện đang vướng
vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giành quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và bãi cạn
Scarborough trên Biển Đông - một khu vực dồi dào trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và
nguồn thủy hải sản.
Trong khi đó, Brunei,
Malaysia, Việt Nam và
Đài Loan cũng đều tuyên bố chủ quyền tại nhiều khu vực trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết
Philippines muốn tổ chức các cuộc thảo luận với Brunei, Malaysia và Việt Nam
trước khi các bộ trưởng ngoại giao thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) gặp gỡ tại hội nghị thường niên tại Myanmar vào tháng tới.
“Chúng tôi muốn tổ chức một cuộc họp riêng
trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN. Chúng tôi vẫn chưa thống nhất về
thời gian họp song tiến trình vẫn đang được tiến hành”, hãng tin Reuters dẫn
lời ông Del Rosario trả lời giới báo chí sau cuộc hội đàm
với quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow.
Hồi đầu tháng này, ông del Rosario cũng đã tới
thăm Brunei, Indonesia và Việt Nam để kêu gọi sự ủng hộ về việc tổ
chức một cuộc họp riêng. Jakarta cũng đưa ra đề xuất riêng cho cuộc đối thoại
giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng, sau khi Bắc Kinh
lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ
quyền của Việt Nam hồi đầu tháng Năm.
Tuy nhiên, đêm ngày 15/7, Trung Quốc đã bất
ngờ tuyên bố kéo Hải Dương-981 về đảo Hải Nam của nước này sau 3 tháng tiến
hành hoạt động thăm dò.
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình
hiện nay. Chúng tôi hy vọng mức độ căng thẳng được hạ nhiệt. Chúng tôi mong các
bên đưa ra những giải pháp mang tính xây dựng, tin tưởng và hợp tác. Các bên
liên quan cần kiềm chế”, quyền Ngoại trưởng Thái Lan Sihasak phát biểu trước
giới báo chí.
Ông Sihasa nhấn mạnh Thái Lan đang góp phần
xây dựng sự đoàn kết giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như khẳng định Bangkok đã
làm hết sức mình để thúc đẩy đối thoại, đặc biệt trong nỗ lực nhằm tiến tới ký
kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét