Cụ thể, theo ông Martin, các bước đi mà Sài Gòn dự định thực hiện
gồm: thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổng thư
ký LHQ về cuộc tấn công của Trung Quốc ở Hoàng Sa; kiến nghị đến Hội đồng
Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO); cân nhắc đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý
Quốc tế. Ngoài ra, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cũng được lệnh thông báo sự việc
cho các bên ký kết Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam (định ước đảm bảo
việc thực thi Hiệp định Paris), với lý do Trung Quốc, một thành viên ký kết
định ước, đã vi phạm Hiệp định Paris, vốn quy định mọi quốc gia phải tôn trọng
sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngoại trưởng Bắc cũng triệu tập ngoại giao
đoàn để thông báo về tình hình và đề nghị chính phủ các nước ủng hộ VNCH.
Ngày 20.1.1974, VNCH đã chính thức gửi thư đến Chủ tịch Hội đồng
Bảo an LHQ, yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an để xem xét hành
động xâm lược của Trung Quốc “nhằm thực hiện các hành động khẩn cấp để sửa chữa
tình hình và chấm dứt việc xâm lược”. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ tại Hội
đồng Bảo an tỏ ra bi quan về việc đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an bởi Trung Quốc
vốn là một thành viên thường trực của cơ quan này trong khi VNCH chỉ là quan
sát viên của LHQ và tư cách đại diện còn là vấn đề gây tranh cãi.
Đại sứ Mỹ tại LHQ John A. Scali nhận định trong một bức điện
gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó: “Dự định đưa vấn đề Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo
an sẽ gây ra rắc rối rõ ràng và nghiêm trọng cho chúng ta. Phía Việt Nam có vẻ như
không có cơ hội đạt được một quyết định thuận lợi từ Hội đồng Bảo an và có ít
triển vọng đạt được bất kỳ lợi thế nào”.
“Tình thế của chúng ta sẽ cực kỳ bất tiện ngay cả khi Việt Nam có quyền
hợp pháp hiển nhiên với quần đảo tranh chấp. Trong tình cảnh hiện tại, chúng ta
sẽ tìm cách trì hoãn tiến trình của Hội đồng Bảo an. Điều này sẽ giúp phái bộ
VNCH có thời gian thăm dò trực tiếp các thành viên Hội đồng Bảo an và báo cáo
kết quả về cho Sài Gòn”, đại sứ Mỹ tại LHQ John A. Scali viết.
Kết quả bất lợi
Cuộc tham vấn các thành viên Hội đồng Bảo an của Chủ tịch Hội đồng
Bảo an người Costa Rica Gonzalo J. Facio mang lại kết quả bất lợi cho VNCH. Các
nước như Pháp, Úc và Áo đều tỏ ra nghi ngờ về ích lợi của việc ra tuyên bố về
vấn đề Hoàng Sa trong khi Iraq và Indonesia đặt câu hỏi về việc ai là đại diện
hợp pháp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, theo tường thuật của ông Facio.
Indonesia là nước đã công khai ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại
Hoàng Sa. Peru
thì thắc mắc về việc liệu một bên không phải là thành viên của LHQ có thể đưa
vấn đề ra Hội đồng Bảo an hay không. Đáng chú ý đại sứ Liên Xô tại LHQ Yakov
Malik thừa nhận sẽ bất tiện cho Liên Xô nếu phải ủng hộ Trung Quốc. Ông Malik
châm chọc rằng Mỹ sẽ gặp vấn đề trong việc chọn lựa “giữa đồng minh cũ và người
bạn mới”.
Trước tình hình đó, VNCH đã quyết định gửi thư đến Chủ tịch Facio
rút lại yêu cầu về việc triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an. Ngày
25.1, Chủ tịch Facio thông báo Hội đồng Bảo an sẽ không nhóm họp để thảo luận
vấn đề Hoàng Sa bởi VNCH đã rút lại yêu cầu.
Ông Facio nói không có đủ ủng hộ cho cuộc họp của Hội đồng Bảo an
vì Trung Quốc cho biết sẽ phủ quyết mọi quyết định và có khả năng đại diện của
VNCH không được quyền phát biểu trước Hội đồng Bảo an. Trong cuộc tham vấn, một
số thành viên đã tranh cãi về quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an của
VNCH, vốn không phải là thành viên LHQ. Theo khảo sát của ông Facio, VNCH sẽ
không có đủ 9 phiếu cần thiết. Chỉ có 5 nước phản ứng tích cực là Mỹ, Anh, Úc,
Costa Rica và có thể là cả Áo. Những nước phản đối cuộc họp của Hội đồng Bảo an
bao gồm Liên Xô, Belarus,
Iraq, Indonesia và có
thể là cả Pháp. Trả lời một câu hỏi tại cuộc họp báo, ông Facio nói Mỹ không
thúc đẩy một cuộc họp của Hội đồng Bảo an và ông có cảm giác Mỹ không thực sự muốn
có cuộc họp.
Song song với việc rút lại yêu cầu ở Hội đồng Bảo an, VNCH cũng
gửi thư đến Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) yêu cầu kêu gọi các thành viên
của tổ chức này “xem xét cách thức và biện pháp để khắc phục tình thế nguy hiểm
do cuộc xâm lược của Trung Quốc gây ra” (VNCH không phải là thành viên của
SEATO song được bảo hộ bởi hiệp ước này).
Tuy nhiên, một lần nữa VNCH lại gặp phải sự thờ ơ. Ngoại trừ
Philippines, vốn lo lắng trước động thái của Trung Quốc, các thành viên còn lại
của SEATO đã đưa ra quan điểm rằng SEATO không phải là một tổ chức phù hợp để
giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và Sài Gòn không đủ tư cách để viện dẫn điều
khoản 2 Điều 4 của Hiệp ước về các biện pháp phòng thủ tập thể vì không phải là
thành viên chính thức. (Còn tiếp)
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét