Tại cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
trong vùng biển Việt Nam chiều ngày 7/5 tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu khẳng định, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
trái phép chưa có phát hiện thương mại nào có thể khai thác dầu khí.
Buổi hợp báo quốc tế về việc đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển VN |
Trả lời
câu hỏi của phóng viên về việc "Phía Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam, đã có kế hoạch ứng phó thế nào nếu Trung Quốc đưa giàn khoan ra các vùng
biển PVN đang tiến hành khai thác?”, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho biết:
“Ở khu
vực Lô 142 – 143 mà giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang tiến hành hoạt động
khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí trái phép chưa có phát hiện thương mại nào để có
thể khai thác dầu khí và đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí ở khu
vực này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thăm dò tại
đây nhưng chưa khoan và đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng
đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán của Việt Nam. PVN đã gửi thư cho Chủ tịch và Tổng giám
đốc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) chính thức phản đối việc
làm này và yêu cầu CNOOC chấm dứt hoạt động dầu khí tại đây.
Trong
tương lai, liệu Trung Quốc có tiến tới tiếp cận hoặc khoan ở những khu vực PVN
đang thăm dò khai thác dầu khí hay không thì tôi xin khẳng định tất cả các khu
vực đang khai thác dầu khí của Việt Nam đều nằm trong thềm lục địa và vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam và hầu hết các vị trí này đang nằm sâu trong thềm
lục địa. Tôi tin rằng, các lực lượng chức năng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
cũng sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận vào các khu vực mà chúng ta đang
thăm dò, khai thác dầu khí, trong bất kỳ trường hợp nào”.
Về câu
hỏi của phóng viên đề nghị cho biết một số đặc điểm của vùng biển, địa điểm mà
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan như độ sâu, khả năng khai thác dầu và giả sử ở đó
có tiềm năng thương mại thì khả năng để khai thác nó sẽ ra sao, Tổng giám đốc
PVN Đỗ Văn Hậu đã trả lời:
“Đây là
khu vực cách phía Nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng
17 hải lý và cách đảo Lý Sơn về phía Đông khoảng 180 hải lý. Khu vực này có độ
nước sâu trung bình khoảng 1.000m và chỗ hạ đặt giàn HD-981 là khoảng 1.000 -
1.100m. Như vậy, Trung Quốc phải dùng giàn khoan nửa nổi nửa chìm. Giàn này có
hai cách để định vị, hoặc là dùng neo, hoặc là dùng các chân vịt để định vị tại
vị trí để khoan.
Về tiềm
năng dầu khí của khu vực này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc
khảo sát và không chỉ bây giờ chúng ta mới tiến hành hoạt động này mà thực tế
từ năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã bắt đầu khảo sát địa chấn. Sau
này chúng ta đã tiếp quản những tài liệu đó và tiếp tục tiến hành một số đợt
khảo sát tại đây. Tổng quan mà nói tiềm năng dầu khí của khu vực này chưa được
đánh giá kỹ bởi chúng ta chưa đủ tài liệu và chưa khoan.
Sở dĩ
PVN chưa tiến hành khoan vì đây là vùng nước sâu mà chúng ta chưa có đủ thiết
bị để khoan ở khu vực này và phần lớn các hoạt động thăm dò và đặc biệt là khai
thác dầu khí của chúng ta tập trung ở những vùng biển nông hơn.
Chúng
tôi vẫn có kế hoạch và chiến lược của PVN là tiếp tục triển khai các hoạt động
thăm dò dầu khí ở những vùng biển xa hơn, kể cả khu vực Lô 142-143.
Và nếu
có phát hiện thương mại thì Trung Quốc có khai thác được hay không, việc này
phụ thuộc vào các cơ quan bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Chúng
tôi tin rằng, việc khoan thăm dò là một chuyện, khai thác là việc khó khăn hơn
rất nhiều. Bởi vì khai thác dầu khí ở một khu vực, chúng ta phải xây dựng rất
nhiều các công trình cố định và thực hiện rất nhiều các công việc, các hoạt
động dầu khí liên quan như thăm dò thêm, thẩm lượng, xây dựng các công trình
trên biển. Để khai thác dầu khí ở khu vực nước sâu đòi hỏi một chương trình đầu
tư hết sức tốn kém và đặc biệt khó khăn về độ sâu nước, cho nên chúng tôi không
tin rằng trong một tương lai gần, có thể khai thác dầu khí ở khu vực này".
Như vậy
có thể thấy rõ ràng rằng: Việc Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào biển Việt Nam
là để thực hiện tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông chứ không hẳn là vì lý
do tham dò, khai thác dầu khí.
Chủ quyền biển đảo tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét