Nhìn lại vụ giàn khoan Hải Dương 981
không thể không lưu ý riêng đến lựa chọn chiến thuật và vị trí hạ đặt giàn
khoan đầy toan tính, thâm hiểm của Trung Quốc.
Lựa chọn chiến thuật
Trong vụ Hải Dương 981 có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, TQ sử dụng
nhuần nhuyễn các lực lượng dân sự hoặc khoác áo dân sự, tiến hành các biện pháp
mang tính dân sự, kinh tế, tránh các hành động quân sự gây phản cảm với cộng
đồng quốc tế.
Tàu hải cảnh TQ áp sát, phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư VN |
Chiến thuật này có thể được gọi là thay “tàu xám” (hải quân) bằng “tàu
trắng” (dân sự) đối phó với các lực lượng chấp pháp biển của các nước láng
giềng. Chiến thuật này đã thành công trong vụ đuổi tàu cá Philippines ở bãi
ngầm Scarborough.
Thứ hai, sử dụng giàn khoan di động thay cố định. Tính di động cho phép
nhanh chóng đưa giàn khoan vào vị trí mong muốn trong thời gian ngắn đủ để đối
phương bất ngờ không phản ứng kịp và bên ngoài nếu muốn cũng không kịp can
thiệp khi thành sự đã rồi.
Đối phương cũng không đủ thời gian để triển khai các biện pháp dài hạn
như pháp lý. Khoảng thời gian để khởi kiện một vụ án quốc tế thường khá dài. Từ
lúc Philippines đưa đơn khởi kiện TQ sau sự cố Scarborough tháng 2/2013, một
năm sau các thủ tục thành lập Tòa và chuẩn bị Bản ghi nhớ mới hoàn tất và ít
nhất đến tháng 9/2014 Tòa mới có thể thụ lý.
Trong thời gian đó CNOOC đã có thể chủ động kéo giàn khoan ra vị trí
khác để Tòa không có thẩm quyền do đối tượng vi phạm đã rút. TQ có thể huy động
lực lượng tàu cá hùng hậu để ngăn cản, thậm chí tấn công khiêu khích các lực
lượng chấp pháp biển láng giềng, tạo cớ gây ra các xung đột cục bộ cho tàu xám
tấn công.
Lịch sử đã chứng minh tàu cá TQ luôn là lực lượng đi đầu gây hấn ở Đà
Nẵng năm 1962, Hoàng Sa 1974 và Scarborough năm 2012. Triển khai dàn khoan ở
phía Bắc, TQ không quên mở rộng căn cứ Gạc Ma ở phía Nam theo đúng cách giương
Đông kích Tây, phân tán sự chú ý của đối phương cũng như của cộng đồng thế
giới.
Toan tính vị trí chiến lược
Vị trí giàn khoan cách đá Tri Tôn 17 hải lý nhằm khẳng định quan điểm
của TQ về đường cơ sở 1996 của họ và đá này cũng như các địa hình nổi khác
thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa - VN) có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200
hải lý và thềm lục địa. Vị trí này cũng củng cố quan điểm của TQ là quần đảo
Tây Sa (Hoàng Sa - VN) hoàn toàn thuộc TQ không có tranh chấp.
Nếu vị trí hạ đặt nằm trong vòng cung 12 hải lý sẽ dễ bị hiểu lầm là TQ
chỉ đòi quy chế lãnh hải cho các đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực
từ năm 1974. Vị trí này cũng thích hợp gần Hải Nam để có thể huy động lực lượng
chấp pháp biển và hải quân hùng hậu cũng như tàu cá để bảo vệ giàn khoan.
Trong trường hợp có dầu thương mại thì hệ thống đường ống dẫn dầu vào
Tây Sa hay Hải Nam cũng ngắn hơn, dễ lắp đặt và bảo vệ hơn là đi sâu vào vùng
biển VN. Vị trí này nằm gần lô 119 mà Exxon Mỹ đã khoan thăm dò, đủ để gây áp
lực với các công ty Mỹ nhưng không đi đến đối đầu với Mỹ.
Khu vực chỉ liên quan đến VN và TQ nên Bắc Kinh hy vọng ASEAN với truyền
thống trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, sẽ không
có cớ gì để đồng thuận phản bác.
Vị trí này cũng không ảnh hưởng lớn đến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp
trong Biển Đông để dễ bác bỏ sự quan ngại quốc tế về an ninh hàng hải. Ngày
27/5, phía TQ đã di chuyển giàn khoan về vị trí mới (tọa độ 15033’38” vĩ Bắc;
111034’62” kinh Đông) cách đảo Tri Tôn về hướng Đông-Đông Nam 25 hải lý, cách
vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông-Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải
lý. Tuy nhiên vị trí này vẫn tiếp tục nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý từ bờ VN .
Tuy nhiên toan tính không phải bao giờ cũng đúng với thực tế.
Giải pháp cho xung đột
Các cuộc xung đột quốc tế thường có một kết thúc dựa trên tương quan lực
lượng và kết quả tổng hợp trong 5 lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự,
kinh tế và truyền thông.
Xét quy mô kinh tế, lực lượng quân sự, bộ máy truyền thông, VN khó có
thể so sánh với TQ - quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhưng quan điểm kiềm chế, không sử dụng lực lượng quân sự, giải quyết
tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình được các nước trong khu vực và quốc tế
đánh giá cao, ủng hộ.
Sự kiềm chế của Cảnh sát biển và Kiểm ngư VN trước các cú đâm va, vòi
rồng của phía TQ không phải chỉ cho mình mà cho cả hòa bình ổn định khu vực và
thế giới.
Trên bàn cờ chính trị quốc tế, trong một thế giới đang ngày càng phẳng,
các nước ngày càng cần đến nhau, đến một tình hữu nghị bền vững.
Quan điểm VN thể hiện rõ trong tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao: “VN sẽ
áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính
đáng của mình.
Đồng thời, VN luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất
đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng
nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ
bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn
Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982, không để vấn đề này
tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên”.
Theo điều 33 Hiến chương LHQ, các biện pháp hòa bình bao gồm từ đàm
phán, trung gian hòa giải, các tổ chức quốc tế cho đến các hành động pháp
lý.
VN đang và sẽ kiên trì đề nghị đàm phán, thông báo tình hình căng thẳng
ở Biển Đông cho LHQ, ASEAN, tổ chức các nước không liên kết, và các nước khác.
Indonesia và Nga đều đã tỏ ý sẵn sàng có vai trò trung gian hòa giải.
Vai trò trung gian hòa giải của Indonesia cũng phù hợp với chính sách
của ASEAN giải quyết các bất đồng trong khu vực không có sự can thiệp từ bên
ngoài. Một ủy ban điều tra hòa giải cũng có thể được thành lập trên cơ sở yêu
cầu LHQ. Tuy ủy ban không có những quyết định bắt buộc nhưng các khuyến nghị
của ủy ban và dư luận quốc tế sẽ định hướng cho một giải pháp.
VN cũng có thể lựa chọn giải pháp pháp lý vào thời điểm cần thiết khi
các biện pháp khác không giải quyết được vấn đề. Mọi giải pháp chỉ có thể thực
hiện trên thiện chí của các bên.
Trên thực địa, chiến thuật “chuột vờn mèo” của Cảnh sát biển và Kiểm ngư
VN đã làm phía TQ tiêu tốn hàng triệu đô la mỗi ngày cho việc duy trì giàn
khoan và hơn 130 tàu hộ tống.
Công tác tuyên truyền trong và ngoài nước và những phản ứng ngoại giao
mạnh mẽ, hiệu quả sẽ giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các quyền lợi
chính đáng của một nước ven biển và những hành động không thể chấp nhận trong
quan hệ quốc tế.
Sức mạnh tổng hợp thực địa, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, truyền thông
và tương quan chính trị sẽ buộc Hải Dương 981 phải dịch chuyển. Sau Hải Dương
981, cuộc đấu tranh trên Biển Đông vẫn trường kỳ.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét