Nếu chúng ta chỉ say sưa với các
tư liệu lịch sử, bao gồm các bản đồ cổ mà quên mất yếu tố pháp lý thì chúng ta
sẽ giải thích ra sao về các tài liệu Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần
Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
|
Trong lúc Trung Quốc đang liên tục leo thang
gây hấn trên Biển Đông, từ ngày 19 đến 21/6 đã diễn ra hội thảo quốc tế “Hoàng
Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” do trường đại học Đà Nẵng và đại học Phạm Văn
Đồng tổ chức tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm lớn từ các học giả trong và
ngoài nước, đồng thời là cả sự trông đợi của dư luận đông đảo người dân mong
muốn tìm hiểu thêm những thông tin khoa học bổ ích về chủ quyền của Việt Nam
đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Là người được trực tiếp tham dự các buổi thảo
luận, trao đổi gặp gỡ với các học giả trong và ngoài nước cũng như phóng viên
trong nước, quốc tế, trực tiếp chứng kiến những bằng chứng không thể chối cãi
về hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, DOC và thỏa thuận giữa lãnh
đạo 2 nước Việt Nam, Trung Quốc mà phía Trung Quốc đã gây ra cho Việt Nam mới
thấy chúng ta còn cần phải nỗ lực lớn hơn rất nhiều để có thể bảo vệ vững chắc
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam do cha ông
chúng ta để lại.
Dấu ấn đặc biệt từ hội
thảo, những chứng cứ khoa học lịch sử – pháp lý rất có giá trị khẳng định chủ
quyền
Dưới góc độ công pháp quốc tế, cá nhân tôi
đánh giá rất cao bản tham luận của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học và
lịch sử Đà Nẵng về những chứng cứ lịch sử – pháp lý khẳng định nhà nước Việt Nam
qua các thời đại khác nhau đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hòa bình và
liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa.
Trong khuôn khổ hội thảo lần này những bằng
chứng lịch sử – pháp lý quan trọng đã được giới thiệu với đông đảo các học giả
trong và ngoài nước bao gồm một số văn bản Hán – Nôm do cơ quan quyền lực nhà
nước Việt Nam thời phong kiến ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 khẳng
định rõ, nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền hòa bình và liên tục
đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ trước đến nay, đặc biệt là các châu bản triều
Nguyễn từ thời vua Minh Mạng (1820-1841) đến thời vua Bảo Đại (1925-1945).
Có thể nói đây là lần đầu tiên một học giả
Việt Nam có nghiên cứu đánh giá khá công phu và có giá trị thực tiễn lớn trong
việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, đặc biệt nó sẽ phục vụ đắc lực cho
hồ sơ pháp lý của Việt Nam khi khởi động tiến trình tố tụng.
Theo tôi, đây mới thực sự là cái mà nhà nước,
các học giả Việt Nam cần tập trung nghiên cứu đào sâu, mở rộng, vì chỉ có những
tài liệu lịch sử – pháp lý mới có giá trị khi tranh tụng tại cơ quan tài phán
quốc tế. Những chứng cứ lịch sử chung chung khác có giá trị về mặt tinh thần
chúng ta không xem nhẹ, nhưng cũng không nên nhầm lẫn.
Ngay cả các học giả quốc tế cũng đánh giá cao
điều này. Đáng chú ý theo tôi có phát biểu của Giáo sư Erik Franckx từ đại học
Tự do, Bỉ và là thành viên Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc: “Bản thân
bản đồ chỉ là bằng chứng đủ, hỗ trợ thêm cho các thỏa thuận, tài liệu được đưa
ra. Vì lý do đó tôi cho rằng việc kết hợp các thỏa thuận, tài liệu với bản đồ
là rất quan trọng”. Nói cách khác, bản đồ và chứng cứ lịch sử chỉ có giá trị
pháp lý khi tranh tụng nếu nó được ban hành kèm theo 1 quyết định hành chính
của cơ quan quyền lực nhà nước.
Và điều này cho thấy lâu nay trong dư luận
chúng ta, kể cả giới học giả và truyền thông vẫn còn đang nhầm lẫn giữa chứng
cứ lịch sử với chứng cứ lịch sử – pháp lý. Không phải bất cứ bản đồ cổ nào ghi
rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam hay không phải của Trung Quốc cũng có
giá trị khi ra tòa, mà quan trọng nó phải được ban hành kèm theo 1 văn bản của
cơ quan quyền lực nhà nước.
Nếu chúng ta chỉ say sưa với các tư liệu lịch
sử, bao gồm các bản đồ cổ mà quên mất yếu tố pháp lý thì chúng ta sẽ giải thích
ra sao về các tài liệu Trung Quốc đưa ra Liên Hợp Quốc hôm 11/6, trong đó có cả
bản đồ, sách giáo khoa của ta. Đó cũng là những “bằng chứng lịch sử”, nhưng xin
nhấn mạnh rằng, chúng không có giá trị pháp lý.
Cũng xin nói thêm ở đây, cho đến hiện nay
truyền thông chính thức của chúng ta vẫn thỉnh thoảng có lúc nhầm lẫn các khái
niệm pháp lý cơ bản có thể bị Trung Quốc lợi dụng, điển hình là khu vực Trung
Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam vẫn bị hiểu nhầm và gọi sai thành “vùng biển Hoàng Sa”. Cá biệt có
những tuyên bố của ta vẫn còn lầm lẫn khái niệm “chủ quyền” với “quyền chủ
quyền” và “quyền tài phán” khi đề cập tới vùng biển này.
Thành công thứ 2 từ cuộc hội thảo lần này
chính là việc các nhà tổ chức đã đưa các học giả trong và ngoài nước ra thực
địa, tiếp xúc với những ngư dân Việt Nam là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng
gây hấn Trung Quốc ngay trên vùng biển của cha ông, nằm hoàn toàn trong vùng
đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Hình ảnh chiếc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung
Quốc đâm chìm tan hoang có tác động rất lớn đến các học giả cũng như truyền
thông quốc tế. Thậm chí giáo sư Carl Thayer đã phải lên tiếng, đây không
phải là hành vi của cướp biển thì là gì khi ông tận mắt chứng kiến con tàu này.
Hạn chế báo chí đưa tin nội dung, cách làm còn nặng
tư duy cũ dẫn đến giảm hiệu quả
Báo chí truyền thông của ta đã có đóng góp rất
lớn, hiệu quả và kịp thời trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo
nói chung cũng như hội thảo này nói riêng. Tuy nhiên, đây là một hội thảo thuần
túy khoa học chứ không phải một phiên tòa xử kín, các nhà báo chỉ được tham dự
buổi khai mạc và phiên bế mạc. Nội dung thảo luận thì họ không được tham dự.
Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Có lẽ chúng ta cũng ít nhiều lo ngại khi thảo
luận, “ngộ nhỡ” có những quan điểm phản biện bất lợi cho ta từ phía các học giả
nước ngoài nên mới “cấm cửa” báo chí tham gia đưa tin, phỏng vấn các buổi thảo
luận về nội dung chính của hội thảo.
Điều này đã làm mất đi cơ hội để đông đảo
người dân và bạn bè quốc tế thấy được tính chính nghĩa của ta trong công cuộc
bảo vệ chủ quyền, đồng thời các học giả, các nhà quản lý của ta cũng thấy được
các mặt yếu kém, sơ hở của mình để khắc phục. Khi chúng ta đã tự tin về chủ
quyền của mình, thì chẳng có gì chúng ta phải giấu giếm hay “họp kín” cả. Làm
như vậy là lợi bất cập hại.
Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng, mặc
dù chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử – pháp lý khẳng định chủ quyền đối với
2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông,
nhưng đã có những lúc vì thiếu thông tin hoặc nhận thức chưa đầy đủ nên đã có
những sơ hở để Trung Quốc lợi dụng.
Điển hình là những tài liệu vừa rồi họ đưa ra
Liên Hợp Quốc, thậm chí có thể còn những tài liệu khác nữa bất lợi cho ta về dư
luận mà Trung Quốc còn chưa công bố, mặc dù nó chẳng có giá trị gì dưới ánh
sáng của Công pháp quốc tế.
Muốn sửa chữa những sơ hở này và hạn chế nó
phát sinh thêm, thiết nghĩ càng cần phải công khai các nội dung trao đổi học
thuật về chủ quyền, kể cả những cái mạnh hay cái yếu của ta. Mạnh để phát huy,
tuyên truyền rộng rãi, yếu để tìm cách khắc phục, hạn chế những bất lợi cho ta.
Giờ đã không còn phải là thời đóng cửa bảo nhau, chúng ta không nên chính trị
hóa những vấn đề khoa học, trong đó có chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền
bằng pháp lý.
Đó chính là lý do tại sao truyền thông quốc tế
có muốn ủng hộ Việt Nam cũng khó, vì họ chỉ nghe thấy các nguồn tuyên truyền
của Trung Quốc ra rả suốt ngày, trong khi nguồn tin chính thức, chính xác và
kịp thời của chúng ta vừa thiếu vừa yếu.
Điển hình như bản chất vụ giàn khoan 981, hầu
hết các hãng truyền thông quốc tế hiện nay đều đưa theo quan điểm của Trung
Quốc rằng đó là “vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa”, mặc dù bản chất
nó không liên quan gì tới Hoàng Sa mà nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh
tế, thềm lục địa của Việt Nam và chẳng có tranh chấp nào ở đó.
Trung Quốc rất hung hăng, ngang ngược và khiêu
khích trên thực địa cũng như mặt ngoại giao. Họ liên tục giễu võ giương oai và
khoe sức mạnh cơ bắp hòng uy hiếp những ai yếu bóng vía. Nhưng trong thế giới
văn minh ngày nay, đó chỉ là biểu hiện của kẻ yếu và không đáng sợ. Đối phó với
những đối tượng “lớn xác” và thích gây sự như Trung Quốc, chúng ta không thể
dùng nắm đấm, mà phải dùng cái đầu. Trí tuệ của người Việt trong và ngoài nước
lúc này cần được huy động hơn bao giờ hết.
Đà Nẵng là một điểm sáng trong hội thảo lần này về Hoàng Sa - Trường Sa. |
Mặt khác, hội thảo lần này vẫn nặng cách làm
cũ. Bây giờ không còn là lúc chúng ta “ném đá dò đường” nữa, nội dung hội thảo
cần tập trung chuyên sâu vào 1 vấn đề. Thời lượng chỉ có 2 ngày vốn đã ngắn
ngủi mà nội dung lại dàn trải nhiều lĩnh vực thì khó có thể có hiệu quả như
mong muốn. Theo tôi, cần tập trung nghiên cứu, thảo luận trao đổi rộng rãi về
từng vấn đề cụ thể. Ví dụ như các chứng cứ lịch sử – pháp lý mà ông Bùi Văn
Tiếng đưa ra, hoặc việc khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.
Ngoài ra hội thảo lần này đã có những sáng
kiến rất đáng lưu ý từ các học giả nước ngoài, như việc nên chăng tổ chức các
nhóm công tác để cùng phân công nhau nghiên cứu các phương án kiện Trung Quốc
ra các cơ quan tài phán quốc tế, có thể tổ chức các phiên tòa giả định để
thực tập tranh biện. Nên chăng thực hiện ý tưởng thành lập cơ quan tài phán của
khu vực Châu Á để xét xử các vụ án của khu vực cho sát thực hơn với truyền
thống văn hóa, tâm lý… của người châu Á.
Đó là những lời tâm huyết mà cá nhân tôi rút
ra được khi tham dự hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” với nhiều
niềm tin, phấn khởi và vẫn còn đó những nỗi lo thiết nghĩ các nhà tổ chức, các
học giả Việt Nam cần ngồi lại rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, mục đích cuối
cùng là làm sao để bảo vệ tốt nhất chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền
tài phán hợp pháp của Việt Nam trước một gã láng giềng to xác và hay gây gổ.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: Giaoduc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét