4/6/14

Ngông cuồng ở Biển Đông, Trung Quốc bị lên án trong diễn đàn tại Washington


      Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3/6 tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ, các học giả cũng đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Hội thảo “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”
 Các học giả tham dự hội thảo đã đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là đường 9 đoạn. Với tư cách là diễn giả chính đến từ Việt Nam, TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, “đường 9 đoạn là căn nguyên của mọi vấn đề” dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.

Đường 9 đoạn này không có cơ sở pháp lý, không có vị trí địa lý rõ ràng, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc. Bản thân nội bộ Trung Quốc cũng còn quan điểm trái ngược về đường 9 đoạn…
Diễn giả chính đến từ Philippines, bà Aileen Baviera, Giáo sư trường Đại học Philippines thì khuyến cáo về những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền trong khuôn khổ đường 9 đoạn với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang.
Đồng quan điểm với các diễn giả Việt Nam và Philippines, ông Robert Daly, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc cho rằng, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế…
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề Biển Đông hiện nay là dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như các văn bản liên quan khác giữa Trung Quốc và ASEAN.
Đồng thời, ASEAN cũng cần phải sớm kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc và phải có cơ chế thực thi COC hiệu quả.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
                                                              Theo: Năng lượng mới
 

Không có nhận xét nào: