4/6/14

Trung Quốc cố tình bao biện hòng đánh lạc hướng dư luận

      "Nếu Trung Quốc thực sự vô tội và trong sạch như những gì họ đã và đang tuyên bố thì tại sao nhiều đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La (Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á) ở Singapore lại thi nhau đưa ra những cảnh báo, chỉ trích, lên án về các hành động gây hấn, ngang ngược, hiếu chiến, hung hăng mà Bắc Kinh đang tiến hành tại Biển Đông" một diễn giả tham dự Đối thoại Shangri-La bày tỏ
 
Phó tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung tại Đối thoại Shangri-La 2014
 Khi bế mạc Đối thoại Shangri-La, nhiều nước đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích về “đường lưỡi bò”, nhưng đại diện Trung Quốc chỉ trả lời quanh co với tuyên bố: Chuẩn bị đàm phán trực tiếp với từng nước có liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, châu Á thiếu một cơ chế tập thể giống như châu Âu sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, để ngăn ngừa xung đột bùng nổ thành chiến tranh; đồng thời nhấn mạnh, vấn đề của an ninh châu Á hiện nay là các quốc gia “thiếu lòng tin” để xây dựng biện pháp chung và một giải pháp tạo đồng thuận.

Nhật Bản “tuyên chiến pháp lý” với Trung Quốc
Dư luận quan tâm tới lời “tuyên chiến pháp lý” với Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông đề cập tới tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Đối thoại Shangri-La: Có lẽ Bắc Kinh nên nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Quốc tế về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản thách thức Trung Quốc theo đuổi “cuộc chiến pháp lý” để giải quyết tranh chấp. Dư luận cho rằng, Trung Quốc thực sự quan ngại nếu vụ việc phải đưa ra Tòa án Quốc tế bởi từ xưa đến nay Bắc Kinh luôn tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu tùy ngôn, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của láng giềng. 
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (tối 30-5), Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố học thuyết Abe (Abe Doctrine). Tuy không nêu đích danh, nhưng những gì ông Shinzo Abe thể hiện trong Abe Doctrine cho thấy sự cảnh giác cao độ và mối lo ngại sâu sắc về những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước ASEAN; đồng thời tuyên bố: Nhật Bản không ngần ngại và luôn sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ các nước ASEAN bao gồm Việt Nam và Philippines trong những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Ông Shinzo Abe cũng không ngần ngại lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ và yêu cầu Bắc Kinh phải giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế; đồng thời đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần soạn thảo và ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe còn kiến nghị, Tokyo và Bắc Kinh cần tiến hành bàn bạc về việc thiết lập một cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không để tránh những sự cố ngoài ý muốn giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là phát biểu đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La.
    
Giới bình luận coi đây là thách thức chưa từng có đối với Trung Quốc khi Nhật Bản tuyên bố thúc đẩy tiến trình để đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực, đồng thời khẳng định sẽ giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức cao nhất cho các nước Đông Nam Á để chống lại sự “ăn hiếp” của Bắc Kinh. Dư luận cho rằng, những hành động ngày một hung hăng và quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến tranh chấp ở khu vực này trở thành một trong những tranh chấp khó giải quyết nhất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ thành xung đột vũ trang.
Ngày 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tiếp tục đề nghị hợp tác sâu rộng hơn về quân sự với các nước Đông Nam Á, đồng thời chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo thời gian qua. Trước đó (22-5), lực lượng phòng vệ trên biển, trên không và đất liền của Nhật Bản (khoảng 500 binh sĩ, 829 thuyền viên và 10 phi công) đã phối hợp tiến hành tập trận tái chiếm một hòn đảo thuộc quần đảo Amami. Đây được cho là động thái nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc chiếm đảo, đồng thời đáp trả cuộc tập trận chung hải quân Nga - Trung ở biển Hoa Đông. Được biết, Tokyo đã sắm máy bay quân sự MV-22 và xe bọc thép đổ bộ “lưỡng cư” AAV7 nhằm tăng cường khả năng tái chiếm đảo trong trường hợp bị Bắc Kinh chiếm đảo.
Phó Doanh - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014
Theo Hãng Kyodo, trong cuộc gặp ngày 30-5 tại Singapore, Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã nhất trí đẩy nhanh nỗ lực tiến tới sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng trước cuối năm nay. Trước đó (28-5), Tạp chí Financial Times của Anh nhận xét, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược tiến từng bước nhằm làm mất uy quyền của Mỹ đối với các nước khác. Theo nhận định của ông Michael Wesley, chuyên gia phân tích về các vấn đề chiến lược và quốc tế tại Trường đại học Quốc gia Australia, Nhật Bản sẽ có những hành động quân sự cùng với các đối tác cùng đồng minh, đặc biệt là Mỹ và việc này đang khiến Trung Quốc lo ngại. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản trở thành đối trọng với Trung Quốc.
Ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore và ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc kiềm chế. Tuyên bố nhấn mạnh lợi ích chung của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ việc sử dụng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Albert Johnston đã hoan nghênh Nhật Bản xem xét khả năng cho phép sử dụng quyền phòng thủ tập thể, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Bộ trưởng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cũng có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Shinzo Abe trước khi ông có bài phát biểu quan trọng tối 30-5 tại Đối thoại Shangri-La.
Washington đang khiến Bắc Kinh khó chịu
Ngày 28-5, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng về định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới, trong đó khẳng định, Washington sẵn sàng sử dụng quân sự khi lợi ích cốt lõi yêu cầu, cũng như an ninh của đồng minh bị đe dọa. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định, Mỹ đang giúp các nước Đông Nam Á đàm phán với Trung Quốc về COC và đang phối hợp giải quyết những tranh chấp lãnh thổ thông qua luật pháp quốc tế. Tổng thống Barack Obama cũng kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua UNCLOS để củng cố sức mạnh cho Washington trong việc kêu gọi Bắc Kinh hành xử theo công ước này.
Cũng trong ngày 28-5, Chủ tịch Tiểu ban triển khai lực lượng và sức mạnh biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ Randy Forbes đã lên án các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông; đồng thời coi việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đã thể hiện dã tâm chính trị của Bắc Kinh. Cùng ngày 28-5, Mỹ đã triển khai thêm một máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk tới căn cứ không quân Misawa ở Nhật Bản và đây là lần đầu tiên Washington triển khai máy bay trinh sát không người lái tới Nhật Bản để nâng cao khả năng giám sát, tăng cường phòng thủ cho đồng minh trước nguy cơ từ Trung Quốc.
Ngày 31-5, Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tố cáo Trung Quốc có những hàng động đơn phương gây bất ổn ở Biển Đông và cảnh báo (khi ông phát biểu tại Đối thoại Shangri-La), Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. Ông Chuck Hagel cũng chỉ trích động thái Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, đồng thời tố cáo Bắc Kinh ngặn chặn Philippines tiếp cận tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Trước đó (30-5), khi trả lời phỏng vấn đài NHK, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey tuyên bố, Châu Á - Thái Bình Dương trở nên bất ổn bởi những hành động khiêu khích và đe dọa của Trung Quốc và Washington sẽ phản ứng lại những chiến thuật hung hăng của Bắc Kinh, cho dù Mỹ không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ.
Cũng trong ngày 31-5, tờ The Wall Street Journal cho rằng, Trung Quốc phải thay đổi cách tiếp cận đối với những tranh chấp trong khu vực, đặc biệt là việc đối đầu có khả năng trở nên ngày càng thường xuyên hơn. Trước đó (30-5), tờ New York Times đã mạnh mẽ lên án dã tâm gây bất ổn trong khu vực của Trung Quốc với những hành vi gây hấn nguy hiểm nhằm vào đồng minh của Mỹ. Theo kiến nghị của Trung tâm an ninh Mỹ mới được đề cập trong báo cáo “Triển vọng hành động chung đa phương”, Washington cần đề xuất 4 sáng kiến tại Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5, Hội nghị thượng đỉnh G-7 vào tháng 6, Đối thoại an ninh chiến lược Trung - Mỹ vào tháng 7 và Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 8, để gây sức ép với Trung Quốc.
Ngày 29-5, tờ Channel News Asia dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Washington không chấp nhận tuyên bố về vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đưa ra và yêu cầu Bắc Kinh không thực thi nó. Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho rằng, Bắc Kinh phải đưa ra quyết định về cách họ sẽ giúp đỡ chứ không phải đặt ra thách thức đối với sự ổn định của khu vực, và cần xuống thang bằng con đường thỏa hiệp dựa trên một khung pháp lý công bằng; đồng thời nhấn mạnh, sẽ là sai lầm nếu giải thích chiến lược “xoay trục” của Mỹ là Washington sẽ trở thành “cảnh sát khu vực” giải quyết mọi vấn đề.
Lý luận kiểu Trung Quốc
Tờ Channel News Asia cho rằng, Trung Quốc đã cử một phái đoàn mạnh đến Đối thoại Shangri-La để biện minh cho các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông thời gian qua. Theo giới truyền thông, tại Đối thoại Shangri-La, dư luận được chứng kiến cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Doanh cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đã cố làm cho sự việc trở nên quan trọng - Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa đối với Nhật Bản, để bằng cái cớ đó, Tokyo tìm cách sửa đổi chính sách an ninh của mình, gây lo ngại cho khu vực và Trung Quốc.
  
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong khi đó, tờ Straits Times dẫn lời bà Phó Doanh cho rằng, Trung - Việt phải tìm một lối thoát cho bản thân mình và không có chỗ cho Mỹ trong vấn đề này. Tuyên bố này nhằm đáp lại chỉ trích của Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin, một trong những tham luận viên tại Đối thoại Shangri-La, người vừa cho biết: Mỹ quan ngại về mọi hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc, ngay cả khi Washington không hỗ trợ bất cứ bên nào trong xung đột ở Biển Đông.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV dẫn lời Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung khi ông coi phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sáng 31-5 là vô căn cứ, đồng thời chỉ trích bài phát biểu này vì “mang tính bá chủ, kích động và đe dọa”. Bởi ông chủ Lầu Năm Góc đã cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn trên Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La. Cũng trong ngày 31-5, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe liên quan đến các tranh chấp trên biển tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Ngày 30-5, Tân Hoa xã dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình phủ nhận việc Trung Quốc đang gây căng thẳng tại Biển Đông (khi tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak) và phản đối việc quốc tế hóa các tranh chấp về chủ quyền; đồng thời cảnh báo: sẽ phản ứng ở mức độ cần thiết đối với những hành động gây hấn của các nước hữu quan!? Theo tuần san châu Á số 1-6, tại cuộc họp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi hạ tuần tháng 5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hối thúc Phnom Penh duy trì “lập trường trung lập” trong cái gọi là “tranh chấp Trung - Việt trên Biển Đông” khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 30-5, khi phát biểu tại hội thảo “Thế kỷ của Trung Quốc” tổ chức ở Melbourne, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cảnh báo, không nên lầm tưởng sẽ thu lợi từ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc khi Bắc Kinh trở thành siêu cường và là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo bà Julie Bishop, việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự đã đặt Bắc Kinh vào vị trí thách thức quyền lực của Washington trong tuyến hàng hải ở khu vực, đồng thời lo ngại về xung đột Trung - Mỹ hoặc các quốc gia láng giềng.
Trước đó, Ngày 20-5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã báo cáo Thượng viện Mỹ về việc sửa đổi, bổ sung nội dung của dự thảo nghị quyết “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở Châu Á - Thái Bình Dương, giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và đòi hỏi lãnh thổ ở khu vực” (mã số: S.Res.412). Trong đó có đề cập đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 và tàu bảo vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh hành động của Bắc Kinh là mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
                                                              Theo: Năng lượng mới

Không có nhận xét nào: