Năm 1898, quan kinh lược Quảng
Đông, Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc về Trung Hoa,
không liên quan với chính quyền huyện Hải Nam nên không chịu bồi thường cho chủ
2 tàu buôn của Hà Lan vì tội hôi của. Chi tiết này cùng tấm bản đồ nổi tiếng
thủ tướng Đức A. Merkel tặng ông Tập Cận Bình được nhắc lại trong bài viết
“Vietnam Flays China’s position on south china sea” của Tiến sĩ Rajaram Panda,
một chuyên gia hàng đầu về Đông Á người Ấn Độ.
Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng ở
Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản-Triều Tiên và Đông Bắc Á ở đại học Jawaharlal
Nehru ở New Delhi (Ấn Độ).
BBT xin trích
dịch:
Biển Đông nổi lên là một trong những điểm nóng
lớn, với nhiều nước tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ vùng biển này.
Lý do sau cuộc tranh chấp này là kết quả của
một bài báo vài năm trước, nêu vùng này có nguồn dầu khổng lồ cùng các tài
nguyên khác.
Trong nửa tá quốc gia đòi chủ quyền, Việt Nam,
Trung Quốc và Philippines là 3 nước vướng vào một cuộc tranh chấp mãnh liệt. TQ
tung ra “đường 9 đoạn” tham lam nhằm chiếm chủ quyền 80% biển Đông nên tạo ra
tranh chấp biển với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia, Brunei và
Malaysia.
Trong nửa tá quốc gia đòi chủ quyền vùng biển
này, TQ đòi phần lãnh hải lớn nhất, một khu vực được diễn tả bằng “đường 9
đoạn” vốn kéo dài hàng trăm dặm từ miền đông và nam tỉnh Hải Nam.
Vài năm qua, lãnh đạo Việt Nam, Philippines,
TQ đều dùng các diễn đàn khu vực và quốc tế để tố cáo tuyên bố chủ quyền của
nhau, đồng thời khẳng định vị thế của nước mình trên biển Đông.
Trong khi Việt Nam và Philippines muốn giải
quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế, TQ lại muốn giải quyết song phương,
nơi họ có thể bắt nạt bên yếu hơn bằng cách trương cơ bắp quân sự.
Philippines đã đưa vụ tranh chấp này lên Tòa
án trọng tài quốc tế, Việt Nam tìm kiếm sự hiểu biết, hợp tác của nước bạn để
giải quyết vấn đề này, và cũng sẵn sàng chiến đấu với quân TQ nếu TQ lao theo
bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa phiêu lưu.
Quan điểm của Việt Nam
Ngày 23.6.2014, Đại sứ TQ tại Thái Lan Ning
Fukui viết một bài báo trên nhật báo Matichon (Thái Lan) thể hiện quan điểm của
TQ về vấn đề biển Đông.
Đáp lại, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông
Nguyễn Tất Thành viết một bài báo cũng do báo trên đăng ngày 7.7, để phản bác
quan điểm sai trái của Đại sứ Fukui, bằng cách cung cấp nhiều sự thật và thông
tin.
Đáng chú ý, tựa bài viết của ông Thành
là “Ai mới thật sự là kẻ phá rối ở biển Đông ?”, tố cáo TQ tạo ra rắc rối
không cần thiết trên vùng biển này khi khẳng định tuyên bố chủ quyền.
Theo Đại sứ Thành, thông tin mà ông Fukui dùng
trong bài viết để cãi rằng Việt Nam “quấy quả” TQ, trong thực tế là ông Fukui
sao chép một bài báo đăng trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao TQ vào ngày
8.6.2014.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao TQ chưa bao
giờ trình được chứng cứ thuyết phục và vô tư để bảo vệ quan điểm trong bài
viết. Vì thế, nhận xét của Fukui bị “hớ” ngay từ đầu.
Ngày 2.5.2014, TQ lén lút hạ đặt giàn khoan
Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt
Nam, dẫn đến sự phẫn nộ trong các cuộc thăm dò nhân dân Việt Nam và cộng đồng
quốc tế, gồm nhiều nghị sĩ Quốc hội Việt Nam.
Hành vi hạ đặt giàn khoan phi pháp của TQ còn
được đi kèm bằng các hoạt động hung hăng và phi nhân của các tàu hộ tống giàn
khoan. Các cơ quan truyền thông trong khu vực và quốc tế đều đưa thông tin rõ
ràng về vụ này.
Khi làm thế, TQ đã tự vi phạm thỏa thuận song
phương cấp cao dựa trên các nguyên tắc hướng dẫn giải quyết tranh chấp biển và
luật quốc tế, gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về luật biển
(UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố ASEAN-TQ về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Trong bài viết, Đại sứ Fukui nhận định chính
phủ TQ đã không ngừng thể hiện chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với quần đảo
Hoàng Sa từ giữa thế kỷ 10. Tuy nhiên, quan điểm này không chỉ mâu thuẫn lịch
sử, mà còn thiếu cơ sở pháp lý.
Mặt khác, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử
và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
với EEZ và thềm lục địa theo đúng luật quốc tế.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên kiểm soát và bảo
vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi vùng lãnh thổ này
là đất hoang. Nhà Nguyễn cũng lập đội binh Hoàng Sa để quản lý và phát triển
Hoàng Sa.
Hàng năm, đội quân này ra Hoàng Sa để khai
thác nguồn tài nguyên, tiến hành các cuộc thăm dò, trồng cây, dựng tượng đài,
xây chùa chiền và cứu các tàu đắm v.v…
Việt Nam tuyên bố tất cả các hoạt động này đều
được ghi trong các tài liệu chính thức.
Là một quốc gia, Đảng Cộng sản, Nhà nước và
nhân dân Việt Nam luôn muốn củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc
Việt-Trung. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông tấn xã ngày 20.6.
2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam mong muốn duy trì hòa
bình, ổn định để phát triển, do Việt Nam chịu quá nhiều tàn phá mất mát sau
nhiều thập niên chiến tranh.
Cùng lúc, ông Trương Tấn Sang khẳng định Việt
Nam sẽ không bao giờ chấp nhận các hành động của TQ dù mạnh mẽ thế nào để buộc
Việt Nam phải nhượng lãnh thổ thiêng liêng và chủ quyền quốc gia.
Việt Nam đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ, rằng
chính phủ quyết tâm bảo vệ từng tấc đất tấc biển không bị xâm lược cho mọi công
dân Việt Nam cùng quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Phiên họp khóa 9 của Ủy ban trung ương Đảng
Cộng sản Việt Nam hồi tháng 6.2014 đã dành nhiều thời gian đáng kể để tranh
luận vấn đề giàn khoan của TQ. Phiên họp đạt sự nhất trí rằng hành vi của TQ là
không thể chấp nhận được, và không thể có chuyện nước lớn thách thức công lý và
đạo lý.
Phiên họp cũng lưu ý, rằng nhân dân Việt Nam
đã trải qua nhiều cuộc chiến, dũng cảm chống bọn xâm lược từ hàng ngàn năm qua
và luôn sẵn sàng đối phó bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai. Lần
này, cộng đồng thế giới hoan nghênh quan điểm của Việt Nam.
Đại sứ Thành lưu ý sự mâu thuẫn với lịch sử
trong bài viết của Đại sứ Fukui: năm 1898, khi chủ hai chiếc tàu Bellona và
Himeji Maru yêu cầu chính quyền Trung Hoa bồi thường việc ngư phủ Trung Hoa hôi
của khi hai tàu này bị đắm trong biển Hoàng Sa, thì quan kinh lược Quảng Đông
tuyên bố Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc về Trung Hoa, không liên quan với
chính quyền huyện Hải Nam và không có cấp chính quyền nào phụ trách vùng đảo
này.
Cách nhắc khéo của bà
Merkel
Điều này có thể hiểu được, vì trong một giai
đoạn dài lịch sử, các triều Nhà Minh và Nhà Thanh theo đuổi chủ trương
“haijin”, thể hiện sự sợ hãi của họ về những đe dọa từ biển cả, hơn là ý định
rời đất liền ra làm chủ biển cả.
Dựa trên quan điểm này của TQ về chủ quyền
biển và Hoàng Sa, một bản đồ do nhà vẽ bản đồ nổi tiếng Jean-Baptiste
Bourguignon d’Anville (người Pháp) vẽ và được in ở Đức hồi thế kỷ 18, chỉ cho
thấy điểm xa nhất của lãnh thổ TQ dưới thời vua Càn Long (1736-1795) là đảo Hải
Nam, chứ không có các đảo trên biển Đông như Hoàng Sa.
Tấm bản đồ này đã được nữ Thủ tướng Đức Angela
Merkel tặng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, khi ông thăm Đức hồi tháng 3.2014.
Đại sứ Thành còn nêu các tài liệu TQ cũng công
nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, như bộ HaiwaiJishi (1696) hoặc Hailu
(1820) và trên các tạp chí quốc tế, như Journal of the Asiatic Society of
Bengal (1837) hoặc Journal of the Geographical Society of London (1849).
Còn có các tài liệu không chính thức nêu TQ
đoạt Hoàng Sa khỏi tay Nhật Bản năm 1946, như Đại sứ Fukui nêu trong bài báo
của ông ta.
Nhưng mâu thuẫn ở chỗ: tại Hội nghị San
Francisco 1951, lời đề nghị Nhật công nhận TQ có chủ quyền Hoàng Sa đã bị 46/51
quốc gia tham dự hội nghị bác.
Cũng tại hội nghị trên, trưởng đoàn Việt Nam
là Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng
Sa và không có sự phản đối nào.
Sau này, Hội nghị Geneve 1954 để phục hồi hòa
bình ở Đông Dương, tuyên bố các bên liên quan sẽ tôn trọng nền độc và quyền
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều khoản này gồm cả quần đảo Hoàng Sa lúc đó
do quân đội Pháp và Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.
Việc TQ tuyên bố đã đánh bật quân Việt Nam
Cộng hòa khỏi Hoàng Sa là đi ngược lại tinh thần Hội nghị Geneve 1954 vốn công
nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
và TQ chỉ là một bên liên quan.
Hơn nữa, đó là một hành vi xâm lược của TQ
bằng cách sử dụng vũ lực, đã bị chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận giải
phóng miền Nam cực lực lên án. Và vì thế, không thể xem đó là chứng cứ cho TQ
tuyên bố chủ quyền như họ đã nêu trong Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao TQ ngày
12.5.1988.
Đại sứ Fukui tuyên bố hoạt động của giàn khoan
Haiyang Shiyou 981 hồi tháng 5.2014 là sự kéo dài quá trình khoan dầu đã tiến
hành trong 10 năm qua, trong vùng chủ quyền của TQ . Nhưng việc TQ nói Việt Nam
không có quyền bình luận cũng như không có quyền phản đối, chính là một
tuyên bố sai trái và phi pháp.
Việt Nam luôn phản đối các hành vi sai trái
của TQ như thăm dò, khai thác bằng nhiều phương cách và ở các mức độ khác nhau.
Trong thực tế, TQ hạ đặt phi pháp Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khoảng 60-80 hải lý. Như thế
là vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, như đã nêu trong UNCLOS
1982 mà Việt Nam và TQ đều tham gia.
Đại sứ Fukui tuyên bố giàn khoan Haiyan Shiyou
981 nằm trong hải phận đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam), nhưng tuyên bố này
phi hiệu lực, đi ngược lại UNCLOS 1982.
Hồi tháng 9.1975, ông Đặng Tiểu Bình ra một
tuyên bố, trong đó ông nêu cả TQ và Việt Nam nên thương lượng để giải quyết vấn
đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Bản ghi ngớ của Bộ Ngoại giao TQ ngày
12.5.1988 không nhắc lại sự kiện này.
Thay vào đó, TQ tỏ ra ngang ngược và hỗ trợ
các hoạt động phi pháp của giàn khoan Haiyan Shiyou 981, bằng cách triển khai
140 tàu và máy bay, gồm các tàu chiến hiện đại có trang bị vũ khí, để cản trở
lực lượng cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam hoạt động trong lãnh hải
Việt Nam.
Tàu TQ còn đâm va, xịt vòi nước vào tàu Việt
Nam, gây thương tích cho hàng chục nhân viên kiểm ngư và ngư dân Việt Nam, gây
tổn hại nhiều tàu chấp pháp Việt Nam. Tất cả các hành vi ngang ngược này diễn
ra chỉ cách giàn khoan khoảng 10 hải lý.
Các hành vi phi nhân văn của TQ càng đáng lên
án, sau khi họ đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân trong EEZ của Việt Nam rồi
không cho các tàu Việt Nam vớt cứu 10 ngư dân của chiếc tàu bị đâm chìm.
Dân tộc Việt Nam sẽ
không ngồi yên
Những trò bắt nạt này sẽ luôn bị bất kỳ nền
văn minh nào lên án, và hành vi của TQ là không văn minh.
Hành vi này không chỉ vi phạm luật quốc tế gồm
UNCLOS 1982, DOC cùng các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt-Trung, vụ việc không
còn là một vấn đề song phương giữa Việt Nam và TQ nữa, mà nay là một sự đe dọa
sự an ninh, tự do hàng hải và ổn định khu vực.
Vì thế, các nước khác trên thế giới đều ủng hộ
quan điểm của Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu TQ lập tức chấm dứt các
hành vi khiêu khích. TQ là nước lớn, phải có trách nhiệm lớn đối với sự ổn định
của khu vực. Họ phải có các biện pháp kéo giảm căng thẳng do chính họ tạo ra.
Để làm thế, TQ phải rút ngay giàn khoan
Haiyang Shiyou 981 và tàu hộ tống ra khỏi lãnh hải Việt Nam và hợp tác với Việt
Nam để có giải pháp xử lý các vấn đề tranh chấp. Để làm thế, mỗi nước phải
trình chứng cứ lịch sử và lý lẽ pháp lý lên một cấp tòa quốc tế để có một quyết
định.
Nếu TQ chấp nhận các biện pháp hòa bình để
giải quyết xích mích và tuân thủ phán quyết của một cấp tòa để thỏa mãn các
nước nhỏ như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, thì lúc đó chỉ có TQ có thể
chứng minh là một nước lớn có tinh thần trách nhiệm.
TQ phải từ bỏ tinh thần nước lớn đi dọa nạt
các nước nhỏ hơn bằng cách biểu dương cơ bắp quân sự.
TQ phải đừng đánh giá thấp khả năng trã đũa
của Việt Nam, khi hành vi của họ làm nhiều người Việt Nam có truyền thống yêu
nước nhiệt thành phải bức xúc, phẫn nộ. Họ sẽ không để yên khi chủ quyền
toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, người Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng bảo vệ Tổ quốc
của họ.
TQ cần phải học vài bài học và có biện pháp
sửa sai, để tránh tình hình xấu bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng khu vực khác.
Nếu TQ chân thành không muốn hòa bình khu vực
châu Á bị rối loạn, họ phải rút ngay giàn khoan khỏi lãnh hải Việt Nam. 90
triệu dân Việt Nam không ngồi yên chứng kiến bất công từ việc một nước châu Á
khác dùng cơ bắp quân sự mới có để xâm lược nước họ, để đe dọa các nước nhỏ và
vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt….
Tôi muốn kết thúc bài phân tích này với việc
thuật lại lời Chủ tịch Trương Tấn Sang nói với Việt Nam thông tấn xã ngày
20.6.2014. Ông Sang trích dẫn lời Vua Lê Thánh Tông nói với các quan triều
đình, được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Một thước núi, một tấc sông
của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn
dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều
ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi
cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Đó là quan điểm chính thức của Việt Nam. Trung
Quốc có lắng nghe?”
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: motthegioi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét