Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm
10-7 cho biết Canberra sẽ đương đầu với Bắc Kinh nhằm bảo vệ hòa bình, các giá
trị tự do và quy định của pháp luật.
Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của chính phủ
liên minh Úc đối với lập trường về Trung Quốc. Bà Bishop cho rằng việc Canberra
trước đây tránh động chạm tới Bắc Kinh vì lo ngại “gây thù chuốc oán” là một
điều sai lầm. Bà nói với hãng truyền thông Fairfax Media: “Trung Quốc không tôn
trọng kẻ yếu. Các chính sách dè dặt trước đó của Úc chỉ gây ra những sự hiểu
lầm”.
|
Ngoại trưởng Úc dẫn chứng vụ Trung Quốc đơn
phương thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi tháng
11 năm ngoái. Bà cho rằng lúc bấy giờ lên tiếng phản đối một cách thẳng thắn
tốt hơn là im lặng để dẫn đến hiểu nhầm. Bà Bishop nhận định: “Điều này làm ảnh
hưởng tới lợi ích quốc gia của chúng ta. Đơn cử như trường hợp hãng hàng không
Qantas của Úc phải thông báo với chính quyền Bắc Kinh dù máy bay của hãng không
bay gần đó”.
Bà Bishop cho biết thêm: “Tự do trên vùng biển
và vùng trời rất quan trọng đối với các nước. Bởi đó là nơi diễn ra phần lớn
các hoạt động thương mại của họ. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta phải tỏ rõ quan
điểm phản đối hành động đơn phương mang tính khiêu khích của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Úc cho rằng những
người nói Canberra đang phải lựa chọn giữa hợp tác về an ninh hoặc kinh tế với
Bắc Kinh là hoàn toàn sai lầm. Bà Bishop lưu ý kinh tế Úc sẽ không bị ảnh hưởng
chỉ vì những trao đổi thẳng thắn.
Bà Bishop cũng công khai tuyên bố một cách rõ
ràng về cách thức tranh chấp ngày càng thiên về chiều hướng quân sự của Trung
Quốc khiến Úc phải đào sâu và mở rộng quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác, đặc
biệt là Nhật Bản. Xu hướng trên được khắc họa rõ nét trong tuần này, khi Thủ
tướng Úc Tony Abbott đồng ý thiết lập quan hệ quốc phòng chiến lược với Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng thỏa thuận chia sẻ công nghệ giữa hai nước.
Ngoài ra, bà Bishop hoàn toàn tin tưởng vào
sức mạnh ưu việt và vị thế siêu cường của Mỹ trong vai trò hòa giải để lập lại
trật tự hòa bình thế giới.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo:Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét