Bất ổn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang
leo thang. Nguyên do là Trung Quốc theo đuổi ý định sử dụng vũ lực, hành xử ức
hiếp đối với các nước láng giềng, nhằm thực hiện tuyên bố chủ quyền theo chiến
thuật “lát cắt salami”.
Những diễn biến tại khu vực trong một
năm, đặc biệt là hai tháng trở lại đây, không phải là hình mẫu cho việc xử lý
các tranh chấp. Cùng điểm lại một số sự kiện để hiểu rõ hơn về ý đồ của Trung
Quốc.
Tháng 11/2013, Bắc Kinh đơn phương tuyên
bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn
lên không phận của cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Vài tuần nay, chiến đấu cơ của Trung
Quốc đã nhiều lần áp sát nguy hiểm máy bay của Mỹ, Nhật Bản. Ở hướng Nam, nơi
Bắc kinh tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là “đường 9 đoạn” bao trọn gần như
toàn bộ Biển Đông, tàu chiến Trung Quốc liên tục hiện diện tại các ghềnh đá mà
Philippines tuyên bố chủ quyền, nhất là tại bãi cạn Scarborough. Mới nhất, đầu
tháng 5, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong
vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tiêm kích Su-27 của Trung Quốc bay sát nguy hiểm máy bay Nhật Bản |
Những tuyên bố cùng với hành động của
Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng khu vực trên đây đã tạo ra các căng thẳng
ngoại giao. Liệu Trung Quốc có liều lĩnh muốn trở thành “một Nhật Bản của 70
năm về trước”, hay nói gọn là một quốc gia trỗi dậy kích hoạt xung đột và cuối
cùng là chiến tranh với khẩu hiệu “châu Á thuộc về người châu Á”?
Sự thật thì tại Hội nghị Phối hợp hành
động và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) được tổ chức tại Thượng Hải cuối
tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra “Khái niệm an ninh châu Á”,
về bản chất là kêu gọi thực hiện “an ninh châu Á thuộc về người châu Á”. Theo
ông Tập Cận Bình, Trung Quốc thực sự đã “rũ bỏ” một thế kỉ bị ức hiếp bởi các
cường quốc phương Tây và có quyền xác lập vị thế tương xứng trong trật tự quốc
tế, với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nhìn lại những năm 1930, 1940 - đó là
thời kì guồng máy tuyên truyền Nhật Bản ra sức cổ súy cho tư tưởng người châu Á
cần nắm giữ vận mệnh của chính mình, phá tan xiềng xích của chế độ cai trị thực
dân phương Tây. “Châu Á thuộc về người châu Á” đã trở thành khẩu hiệu và Tokyo
kêu gọi các nước cùng tham gia cái gọi là “Lãnh địa cùng thịnh vượng Đại Á” mà
ở đó Nhật Bản giữ vai trò lãnh đạo.
Diễn tiến tiếp theo như thế nào thì chắc
hẳn ai cũng rõ. Tầm nhìn của Nhật Bản về châu Á đã đẩy đế chế này cùng nhiều nước
ở châu Á – Thái Bình Dương đi vào con đường sụp đổ.
Tàu Trung Quốc cố ý đâm va tàu cảnh sát biển Việt Nam. |
Còn hiện nay, hiện trạng quốc phòng tại
khu vực lại bị thách thức bởi Trung Quốc. Tại Đối thoại Shangri La ở Singapore
vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cùng Thủ tướng Shinzo Abe đều lên
tiếng chỉ trích Bắc Kinh với các hành động tuyên bố chủ quyền gần đây. Ông Hagel
tuyên bố Mỹ sẽ không đứng nhìn khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới
bị thách thức; kiên quyết phản đối hành động ức hiếp, đe dọa sử dụng vũ lực để
thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Thế nhưng nguy cơ xung đột vẫn còn nguyên.
Rõ ràng, các bên liên quan cần có sự tỉnh
táo. Trung Quốc nên rút giàn khoan, ASEAN phải tăng cường phối hợp nội khối,
cùng với đó là việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Mọi quốc
gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, cần hành xử trên nguyên tắc tôn
trọng lẫn nhau.
Mao Trạch Đông từng có tuyên bố nổi
tiếng: Họng súng đẻ ra chính quyền. Thế nhưng nếu các bên tranh chấp ở Biển
Đông, Hoa Đông bê nguyên quan điểm thì sẽ chỉ dẫn đến thảm họa. Đã đến lúc mọi
“người chơi” cần phải có bước lùi nếu không muốn tiến đến bờ vực xung đột lớn
hơn; cam kết can dự, hợp tác, tìm kiếm biện pháp hòa bình xử lý tranh chấp. Đó
sẽ là điều tối quan trọng nếu như ai đó nói rằng thế kỉ 21 là thế kỉ của hòa
bình, thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ quyền biển đảo (tổng hợp)
Theo: baotintuc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét